PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

15/03/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em tại cộng đồng
Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó việc xây dựng, hoàn thiện mạng lưới bảo vệ trẻ em từ cơ sở đóng vai trò quan trọng giúp huy động nguồn lực cộng đồng để chăm lo toàn diện cho thế hệ tương lai.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 13 vụ xâm hại tình dục, 1 vụ bạo lực trẻ em. Công an tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 16 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến trẻ em; quyết định khởi tố vụ án hình sự 14 vụ án/18 bị can. Những con số thống kê cho thấy cần có một hệ thống bảo vệ trẻ em đủ mạnh để tạo sự an toàn cho trẻ em tại cộng đồng.

Mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực xây dựng và vận hành hệ thống bảo vệ trẻ em, nhưng trên thực tế, các điều kiện để vận hành hệ thống bảo vệ trẻ em còn chưa bảo đảm như: Đội ngũ những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ trẻ em ở thôn, bản; hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cần sự trợ giúp của mọi trẻ em; kinh phí bố trí cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu; chính sách trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn rất hạn chế. Do đó, khả năng phòng ngừa, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em cũng như công tác giáo dục, phục hồi, hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa hiệu quả.

Việc xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em tại cộng đồng được tỉnh đặc biệt quan tâm (Ảnh minh họa)

Để giải quyết tình trạng này, HĐND tỉnh đã ban hành 11 nghị quyết có liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em. Trong đó Nghị quyết số 16/2020/NQ-HĐND về việc quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, có quy định chức danh người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã. Đến nay, 108/108 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã bố trí chức danh người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội mở các lớp tập huấn cho đội ngũ làm công tác trẻ em các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở để thực hiện tốt công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai, thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và thực hiện quyền trẻ em nói riêng, đồng thời góp phần trang bị kiến thức về chính sách, pháp luật trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; quản lý, theo dõi trẻ em và các kỹ năng bảo vệ trẻ em.

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 10 mô hình về bảo vệ trẻ em tại cộng đồng; 2 mô hình trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, khuyết tật tại cộng đồng; 2 mô hình phòng ngừa trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em phải làm việc nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm; 3 mô hình phòng ngừa và trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực; 10 mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và các dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại 8 huyện, thành phố.

Vừa qua, tổ chức Child Fun Việt Nam đã triển khai Dự án “Tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em” tại 10 xã trên địa bàn  huyện Na Rì và Ngân Sơn. Dự án hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện quy trình hoạt động, cải thiện hệ thống thông tin quản lý về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phát triển năng lực cho người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã và cán bộ viên chức có liên quan. Thông qua các hoạt động nâng cao năng lực cho nhóm nòng cốt và nhận thức của cha mẹ, giáo viên, hỗ trợ sáng kiến cho trẻ em khởi xướng và thực hiện. Dự án đã tạo ra sự thay đổi rõ rệt đối với hệ thống bảo vệ trẻ em gồm người làm công tác bảo vệ trẻ em và nhóm thông tin bảo vệ trẻ em cấp xã, gia đình, cộng đồng và trẻ em.

Chị Triệu Thị Hè, đại diện Nhóm thông tin bảo vệ trẻ em xã Đổng Xá (Na Rì) đánh giá: “Dự án rất phù hợp, đáp ứng được nhu cầu địa phương về thúc đẩy quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Trước đây, trẻ em vùng sâu, vùng xa sinh ra và lớn lên theo bản năng. Trước khi có Dự án, khi có trường hợp xâm hại xảy ra, chúng tôi lúng túng không biết xử lý thế nào. Từ khi có Dự án hỗ trợ, Nhóm thông tin được thành lập và hoạt động hiệu quả. Sau khi được tập huấn nâng cao năng lực, các thành viên có thể hiểu rõ vai trò trách nhiệm của mình, làm tốt việc thăm nắm tình hình gia đình và trẻ em. Nếu trường hợp nào xảy ra có thể xử lý kịp thời”.

Bà Nông Thị Hà, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: “Đối với các vùng Dự án, công tác bảo vệ trẻ em ở cấp cơ sở cơ bản đã thay đổi nhận thức không chỉ của đội ngũ làm công tác này mà cả chính quyền, đoàn thể địa phương đều vào cuộc. So sánh với các vùng ngoài Dự án thì có sự khác biệt về năng lực, hiệu quả phát hiện và xử lý tình huống. Chúng tôi mong nhân rộng mô hình tại các xã khác cũng như mở các lớp đào tạo chuyên sâu về công tác xã hội đối với trẻ em, cấp chứng chỉ cho người làm công tác bảo vệ trẻ em”./.

Thu Trang