PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

07/10/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Bắc Kạn
Với thổ nhưỡng phù hợp, khí hậu đặc thù, tỉnh Bắc Kạn đang tập trung đầu tư phát triển cây chè theo hướng bền vững, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, để chè trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Người dân xã Yên Cư, huyện Chợ Mới thu hoạch chè Shan tuyết (Ảnh: Báo Nhân dân điện tử)

Nâng cao giá trị kinh tế của cây chè Bắc Kạn

Nói đến chè Bắc Kạn, đầu tiên phải kể đến chè đặc sản Shan tuyết. Nằm ở độ cao 1.200 m so với mực nước biển, với khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiều cây chè Shan tuyết Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn đã có tuổi thọ hàng trăm năm và nay vẫn đang cho thu hoạch. Khác với các giống chè khác, búp chè Shan tuyết ở Bằng Phúc to và có phủ một lớp lông tơ trắng trông như những bông hoa tuyết, khi được pha có nước sánh vàng, vị ngọt đậm đà, thơm đọng đầu lưỡi. Đặc biệt, chè Shan tuyến không hề phun hóa chất trong quá trình chăm sóc… Với những đặc trưng riêng kể trên, từ lâu, chè Shan tuyết Bằng Phúc đã trở thành đặc sản của Bắc Kạn được nhiều nơi biết đến. Sản phẩm chè Shan tuyết Bằng Phúc cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể vào cuối năm 2018.

Không chỉ ở riêng Bằng Phúc, tại xã Yên Cư, huyện Chợ Mới, nhiều diện tích chè Shan tuyết cũng đang được đầu tư phát triển theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, trở thành hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Sản phẩm chè Shan tuyết của xã Yên Cư đã được các đối tác đánh giá có chất lượng tốt nên ngày càng có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.


Sản phẩm chè của huyện Chợ Mới được trưng bày trongTuần lễ Cam quýt và các sản phẩm OCOP
tỉnh Bắc Kạn tại Hà Nội năm 2018

Hiện Bắc Kạn có trên 2.100 ha diện tích trồng chè các loại, tập trung ở 03 huyện Chợ Đồn, Chợ Mới và Ba Bể, trong đó khoảng 2.000 ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt 8.000 tấn. Trên địa bàn tỉnh, đã và đang hình thành nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè đen, chè xanh bảo đảm chất lượng được thị trường tin dùng như: Chè Shan tuyết cổ thụ, chè Shan tuyết cổ thụ túi lọc của Hợp tác xã Nông nghiệp Tát Vạ, xã Yên Hân, huyện Chợ Mới; chè Shan tuyết Khau Mu của Hợp tác xã Nông nghiệp Thái Lạo, xã Yên Cư, huyện Chợ Mới; chè Mat Cha Shan tuyết của Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Chế biến dược liệu Ngọc Thắng, xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn; chè Shan tuyết của Hợp tác xã Hồng Hà, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn… Những sản phẩm chè kể trên đều đã được Bắc Kạn công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh.

Phát triển chè trở thành ngành hàng chính của địa phương

Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đang tập trung nguồn lực để đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu, cũng như chế biến chè, đồng thời khuyến khích các cơ sở sản xuất đầu tư về mẫu mã, bao bì sản phẩm, tăng cường xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, nỗ lực xây dựng thương hiệu chè địa phương.

Với gần 800 ha chè hiện có, trong đó cây chè trung du khoảng 500 ha, còn lại là chè Shan tuyết, diện tích đang cho sản phẩm gần 630 ha, năng suất bình quân 5,7 tấn/ha, sản lượng chè khô khoảng 3.500 tấn/năm, cây chè là một trong 05 cây trồng chủ lực được huyện Chợ Mới lựa chọn để phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương. Huyện đang tích cực vận dụng chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa, huy động nguồn lực để đầu tư liên kết của các doanh nghiệp nhằm phát triển diện tích chè Shan tuyết lên 100 ha đến năm 2025; trồng mới và cải tạo diện tích chè trung du già cỗi, thâm canh cải tạo theo hướng an toàn thực phẩm, hướng sản xuất VietGap, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho chè xanh...

Còn tại huyện Ba Bể, hiện có hơn 600 ha chè được trồng tập trung tại các xã Mỹ Phương, Chu Hương, Yến Dương, Địa Linh, Đồng Phúc… Nhằm nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm chè, Ba Bể cũng đang đẩy mạnh cải tạo diện tích chè kém hiệu quả, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, coi trọng công tác bảo đảm an toàn trong toàn bộ quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến chè. Vừa mở rộng diện tích trồng chè giống mới, nhất là chè chất lượng cao, vừa xây dựng các vùng nguyên liệu và làm tốt công tác quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Cùng với đó là chủ động đi tham quan, học tập cách làm của nhiều địa phương để học tập kinh nghiệm sản xuất chè an toàn, chất lượng, khuyến khích người dân tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất chè, từng bước xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chè Ba Bể.


Cây chè được trồng tại xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể

Để nâng cao chất lượng sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh, cùng với triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh trong phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất và chế biến sản phẩm chè nói riêng, năm 2019 vừa qua, Bắc Kạn đã triển khai thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn” với mục tiêu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo, xây dựng vùng nguyên liệu và chế biến sản phẩm phục vụ phát triển sản xuất chè hàng hóa tại các huyện Ba Bể và huyện Chợ Mới. Đến nay, Dự án đã xây dựng được mô hình chè thâm canh theo hướng VietGAP với quy mô 20 ha tại xã Mỹ Phương (Ba Bể) và xã Như Cố (Chợ Mới); xây dựng mô hình chè thâm canh theo hướng hữu cơ tại xã Mỹ Phương với quy mô 05 ha; xây dựng được mô hình 12 ha trồng chè mới chất lượng cao tại xã Mỹ Phương (Ba Bể) và xã Quảng Chu (Chợ Mới)…

Theo Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020-2025, Bắc Kạn đã xác định phát triển cây chè trở thành ngành hàng cấp tỉnh. Theo đó, mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025, tạo được vùng nguyên liệu chè hàng hóa với diện tích 2.500 ha; 100% sản phẩm chè sản xuất đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; 30% diện tích chè được cấp chứng chỉ VietGAP; 100% sản phẩm chè có nhãn mác bao bì sản phẩm và có thể truy suất được nguồn gốc...

Hiện tại, sản phẩm chè tại Bắc Kạn chủ yếu được chế biến thủ công, vì vậy, để nâng cao chất lượng sản phẩm chè phải xây dựng được chuỗi các cơ sở chế biến. Theo đó, giai đoạn tiếp theo, tỉnh khuyến khích các địa phương thành lập một số hợp tác xã trồng và chế biến chè ngay tại các vùng chè tập trung như các xã: Mỹ Phương, Chu hương (Ba Bể); Như Cố, Quảng Chu, Yên Hân, Yên Cư (Chợ Mới); Bằng Phúc (Chợ Đồn). Tổ chức mỗi điểm trên một xưởng chế biến với quy mô vừa để thu mua và chế biến sản lượng chè búp tươi tại các địa phương này. Cùng với đó là triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ cho các hộ nhỏ lẻ có diện tích chè các thiết bị chế biến (máy vò, lò sao) để 100% sản lượng chè búp tươi được chế biến ngay sau thu hái (chế biến trong ngày) đảm bảo chất lượng chè.

Về mở rộng thị trường cho các sản phẩm chè, Bắc Kạn sẽ tăng cường liên doanh, liên kết với các công ty chè lớn của Thái Nguyên để đưa sản phẩm chè địa phương vào tham gia xuất khẩu. Riêng với sản phẩm chè Shan tuyết thì đẩy mạnh khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm, từ đó được tham gia vào chuỗi tiêu thụ trong các siêu thị lớn và vào thị trường xuất khẩu nước ngoài.../.

Thu Cúc