Độ tương phản
Bánh dày là loại bánh truyền thống, đặc sản của vùng quê Bắc Kạn. Gạo để làm bánh dày được đãi sạch, ngâm kỹ rồi đồ chín như xôi. Khi chín phải cho vào cối giã ngay, giã càng nhanh tay bánh càng dẻo mịn và nhanh được. Muốn có những chiếc bánh dày thơm ngon, mềm đòi hỏi phải giã thật kỹ.
Nhân bánh cũng được chia thành nhiều loại. Bánh dày chay thường được dùng trong đám hiếu, giỗ chạp. Bánh dày mặn thường có nhân gồm đỗ xanh và thịt, bánh ngọt nhân làm bằng đỗ và đường. Đặc biệt ở Bắc Kạn, đồng bào thường làm bánh dày gấc, cách làm cũng như nhau chỉ khác là xôi được đồ từ gạo trộn lẫn với gấc. Để bánh không dính tay khi nặn người ta thường bôi chút mỡ và bánh được đặt trên những chiếc lá chuối được cắt gọn ghẽ.
Bánh dày được bán quanh năm, phổ biến nhất là khi thời tiết vào đông. Bánh dày dễ làm lại để được rất lâu, mùa đông bánh để được vài ngày. Khi bánh cứng chỉ cần đồ lại hoặc hấp cơm là lại dẻo thơm như vừa mới làm. Đồng bào miền núi từ lâu đã quen thuộc với thứ quà quê do chính tay mình làm ra.
Bánh dày ăn kèm với ruốc hoặc lát chả quế thơm ngậy thì không thể quên được. Giờ đây ở những phiên chợ miền núi vẫn thường bắt gặp các chị, các mẹ cắp chiếc rổ bên trong có vài chục bánh dày dành để bán. Bánh dày từ lâu đã trở thành món ẩm thực được ưa thích của nhiều người dân Bắc Kạn./.
V.T