PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

30/08/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ba Bể tập trung phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi
Trước tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), Viêm da nổi cục (VDNC) tái phát gây ảnh hưởng lớn đến phát triển sản xuất chăn nuôi, huyện Ba Bể đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Ngọc Thịnh kiểm tra bệnh VDNC trên trâu, bò tại xã Bành Trạch

Tại xã Khang Ninh, ngay từ đầu năm 2024, UBND xã đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi; chỉ đạo cho công chức chuyên môn và thú y viên xã, các trưởng thôn tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt.

Phó Chủ tịch UBND xã Dương Xuân Giao cho biết, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi được xã quan tâm chỉ đạo. Ban Chỉ đạo xã đã tổ chức họp và giao nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách các thôn; giao cho các trưởng thôn tổ chức họp tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân biết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi như phun khử trùng tiêu độc, vệ sinh chuồng trại, tiêu hủy vật nuôi chết theo quy định…

Tuy nhiên, khi DTLCP tái phát trên địa bàn huyện, xã Khang Ninh lại là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất với hơn 1.400 con lợn bị mắc bệnh. Xuất hiện từ tháng 4/2024, bệnh DTLCP đã tràn qua 14/15 thôn của xã và đến nay xã Khang Ninh chưa công bố hết dịch; nguyên nhân là do người dân còn chủ quan, chưa thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, còn tình trạng người dân lén lút bán lợn cho tư thương ra ngoài địa bàn xã.

Trước thực trạng trên, UBND xã Khang Ninh đã tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi nói chung và DTLCP nói riêng; thực hiện tốt công tác tiêm phòng, khử trùng tiêu độc để đảm bảo an toàn khi tái đàn. Tính đến ngày 20/7/2024, toàn xã có 33 hộ đã tiêm vắc xin phòng DTLCP cho gần 300 con lợn.

Huyện Ba Bể hiện có tổng đàn đại gia súc 7.074 con, đàn lợn gần 15.000 con, đàn dê có trên 5.600 con, đàn gia cầm trên 200.000 con, đàn chó trên 6.000 con.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra bệnh DTLCP và VDNC trâu, bò, cụ thể, bệnh DTLCP xuất hiện tại 15/15 xã, thị trấn; bệnh VDNC trâu, bò xuất hiện tại các xã Hà Hiệu, Bành Trạch, Chu Hương, Phúc Lộc.

Trước tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, UBND huyện Ba Bể đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; công bố dịch, khoanh vùng dập dịch; tổ chức tiêu hủy vật nuôi mắc bệnh. Chỉ đạo tạm dừng chưa phê duyệt các dự án chăn nuôi lợn để phòng, chống dịch.

Tập trung mọi nguồn lực chống dịch, UBND huyện đã thành lập 4 tổ hỗ trợ thực hiện công tác phòng, chống bệnh DTLCP và bệnh VDNC trâu, bò trên địa bàn. Theo đó, các tổ hỗ trợ trực tiếp tiếp nhận thông tin từ các xã, thị trấn về tình hình bệnh DTLCP và VDNC; kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hỗ trợ các xã, thị trấn thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch; xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh…

Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện, cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương trong công tác phòng, chống dịch, toàn huyện đã tiêu hủy trên 6.000 con lợn mắc bệnh DTLCP với khối lượng trên 200 tấn. Đến nay, toàn huyện đã có 5 xã qua 21 ngày không xảy ra bệnh DTLCP; 3 xã Hà Hiệu, Phúc Lộc, Bành Trạch đã qua 21 ngày không xảy ra bệnh VDNC trâu, bò. Tính đến ngày 12/8/2024, toàn huyện đã cấp phát trên 1.900 liều vắc xin VDNC trâu, bò và đã tiêm được 1.485 liều. Đối với vắc xin tiêm phòng DTLCP, đến ngày 28/8/2024, toàn huyện đã tiêm được 2.396 con lợn.

Hiện nay, các địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền, vận động người dân tiêm vắc xin phòng DTLCP, VDNC trâu, bò và các loại vắc xin khác để bảo vệ đàn vật nuôi và thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học…/.

Hương Dịu