PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

14/05/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn: Tiềm năng từ phát triển gỗ nguyên liệu
Hiện nay, ngoài việc bảo tồn thì việc phát triển, trồng rừng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đang ngày càng đem lại hiệu quả thiết thực cho địa phương. Hàng năm, cung cấp gỗ nguyên liệu và các loại lâm sản khác phục vụ công nghiệp chế biến, xây dựng; giải quyết thêm nhiều việc làm cho người dân và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ làm nghề rừng.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Hiện nay, ngoài việc bảo tồn thì việc phát triển, trồng rừng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đang ngày càng đem lại hiệu quả thiết thực cho địa phương. Hàng năm, cung cấp gỗ nguyên liệu và các loại lâm sản khác phục vụ công nghiệp chế biến, xây dựng; giải quyết thêm nhiều việc làm cho người dân và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ làm nghề rừng.

Tiềm năng phát triển

Tỉnh Bắc Kạn có tổng diện tích tự nhiên 485.996ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp trên 417.538ha, chiếm 86% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; Diện tích đất lâm nghiệp có rừng 371.904ha, trong đó rừng tự nhiên 274.742ha và rừng trồng 97.162ha. Đến nay, diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh là 97.161,9ha, trong đó rừng trồng đã có trữ lượng 77.900,8ha và rừng trồng chưa thành rừng 19.261ha. Giai đoạn 2016 - 2019, tổng diện tích rừng trồng mới của Bắc Kạn đạt 26.600ha, bình quân đạt 6.250 ha/năm, trong đó diện tích cây gỗ lớn 3 năm đạt trên 13.000ha; sản lượng gỗ khai thác đạt 160.000m3. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đã đạt 72,9%, là địa phương có độ che phủ rừng cao nhất cả nước… Đây là tiềm năng lớn để Bắc Kạn phát triển rừng nguyên liệu gỗ phục vụ nhu cầu chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh.

Bình quân giai đoạn 2016 - 2019, tỉnh Bắc Kạn trồng rừng đạt 6.250 ha/năm

Để nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm từ gỗ, hằng năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non xuất bán dăm gỗ sang khai thác gỗ lớn nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu; lựa chọn trồng các loài cây phù hợp với từng điều kiện lập địa, trong đó ưu tiên trồng các loài cây gỗ lớn đa mục đích, cây bản địa nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời tăng cường đa dạng sinh học và khả năng phòng hộ của rừng. Trong đó, riêng đối với rừng sản xuất trồng tập trung, Bắc Kạn ưu tiên trồng chủ yếu cây Mỡ, Keo, Thông, Sa mộc, Lát, Tông dù, Hồi, Quế, Bồ đề, Xoan ta…; đối với rừng sản xuất trồng cây gỗ lớn, cây đa mục đích, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như Lát, Trám, Sao…

Thực tế đã cho thấy, rừng ở Bắc Kạn có nhiều ưu điểm mà các nhà đầu tư cần đó là: Quỹ đất rừng sản xuất lớn để trồng rừng nguyên liệu gỗ cung cấp ổn định cho công nghiệp chế biến. Mặt khác với vị trí trung tâm của vùng Đông Bắc, giao thông khá thuận tiện có thể lấy Bắc Kạn làm vùng tập trung cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, hạn chế cung ứng nguyên liệu thô để tăng giá thành và lợi nhuận trong sản xuất... Với những lợi thế này, hiện Bắc Kạn đang tích cực cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và ngành lâm nghiệp nói riêng, phấn đấu trở thành một trong những vùng nguyên liệu và chế biến gỗ rừng trồng xuất khẩu bền vững.

Để tiềm năng thực sự thành cơ hội phát triển

Giai đoạn 2020 - 2025, trong quá trình thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Bắc Kạn xác định tập trung phát triển trồng rừng và chế biến gỗ từ rừng trồng là sản phẩm chủ lực của địa phương tham gia vào ngành hàng chủ lực của quốc gia theo hướng bền vững và có giá trị gia tăng cao.

Theo đó, tỉnh sẽ tập trung tạo vùng nguyên liệu bền vững thông qua trồng lại rừng tập trung sau khai thác, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc thâm canh rừng, phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025 đưa diện tích rừng trồng của toàn tỉnh đạt 100.000ha, diện tích khai thác trung bình từ 5.500 - 6.500 ha/năm với trữ lượng khoảng 700.000 - 900.000m3/năm, sản xuất ra 300.000m3 sản phẩm; sau khi khai thác thì tiến hành trồng lại rừng sau khai thác trong đó cố gắng khoảng 1/3 diện tích này trồng theo hướng kinh doanh cây gỗ lớn. Các diện tích trồng rừng tập trung nguyên liệu cho chế biến phấn đấu 40% có chứng chỉ quản lý rừng bền vững hoặc chứng chỉ FSC. Căn cứ vào điều kiện địa hình, khí hậu và thực tế sản xuất của người dân hiện nay, tập trung phân vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ theo định hướng phát triển loài cây chính là keo các loại, cây mỡ, các loài cây phù trợ như: Lát, trám, xoan, quế, hồi, sao (tông dù), thông… để tạo ra được vùng nguyên liệu đảm bảo phục vụ công tác chế biến.

Mục tiêu đối với sản phẩm gỗ trong giai đoạn 2020 - 2025 là 100% sản phẩm khai thác rừng trồng phải có truy xuất nguồn gốc theo quy định; trên 50% diện tích cây keo và 30% diện tích cây mỡ được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững hoặc FSC; 100% sản lượng khai thác gỗ keo và mỡ phải được chế biến tại địa phương. Ngoài ra, khi chính sách đóng cửa rừng tự nhiên được gỡ bỏ thì trên địa bàn tỉnh còn có trên 100.000ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên đủ điều kiện thực hiện phương án điều chế rừng sẽ cho một sản lượng gỗ khá lớn, giá trị kinh tế cao là các cây rừng tự nhiên đến tuổi khai thác, đây là một trong những nguồn thu rất lớn cho người dân, cũng như nguồn nguyên liệu lớn phục vụ cho các nhà máy chế biến.

Ảnh: Chế biến gỗ tại Công ty Cổ phần đầu tư Govina, Khu Công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới

Đối với xây dựng các cơ sở chế biến lâm sản, giai đoạn này, tỉnh tập trung chuyển đổi khu công nghiệp Thanh Bình thành khu chế biến gỗ tập trung và mở thêm cụm công nghiệp chế biến tại xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, trong đó thu hút được các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến có công nghệ, thiết bị đồng bộ để tập trung chế biến ra sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; mở rộng các xưởng chế biến gỗ tại phía Nam huyện Chợ Đồn; hình thành khu công nghiệp chế biến gỗ tại khu vực xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể, xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn. Ngoài ra, tại các địa phương tiến hành rà soát và duy trì một số xưởng gỗ bóc để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy ván ép và các xưởng gỗ răm để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy ván ép MDF, đồng thời tận thu toàn bộ các sản phẩm dư thừa, vỏ cây, mùn cưa, ván hỏng cung cấp cho nhà máy tạo viên nén xuất khẩu; khuyến khích các xưởng chế biến mộc làm hàng thủ công mỹ nghệ và sản xuất hàng tiêu dùng, đồ dùng gia đình như hiện có trên địa bàn tỉnh.

Về thị trường, đối với các sản phẩm đũa, Bắc Kạn có chính sách đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu để trực tiếp xuất khẩu sang các nước, như: Hàn Quốc, Nhật Bản. Đối với các sản phẩm ván ép sẽ tham gia xuất khẩu sang các nước, như: Mỹ, EU và một phần tiêu thụ nội địa. Đối với sản phẩm gỗ thanh đạt chứng chỉ CoC sẽ được các đơn vị thu mua và xuất khẩu sang các nước EU và Mỹ. Đối với sản phẩm gỗ viên nén sẽ được các công ty trong nước bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu. Các sản phẩm gỗ thanh khác đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, thúc đẩy liên kết với các công ty chế biến gỗ trong nước bao tiêu. Ngoài ra, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng được tiêu thụ tại thị trường trong nước và từng bước tham gia thị trường xuất khẩu…

Thu Cúc