Độ tương phản
Dự kiến sửa đổi, bổ sung 31 điều trên tổng số 35 điều của Luật thuế TNCN hiện hành (chiếm 88,5%),
Theo Bộ Tài chính, Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành được Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21/11/2007 thay thế Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009. Trong quá trình thực hiện, để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) trong từng giai đoạn, Quốc hội đã ban hành Luật số 26/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN áp dụng từ 01/7/2013 và Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế (trong đó có Luật thuế TNCN) áp dụng từ ngày 01/01/2015. Ngoài ra, UBTVQH cũng đã ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 02/6/2020 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN, áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.
Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển, hội nhập những năm gần đây và do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, Luật thuế TNCN hiện hành cũng đã phát sinh một số điểm hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được các yêu cầu về cải cách thuế TNCN đang đặt ra, đảm bảo tính minh bạch, bao gồm các quy định liên quan đến thu nhập chịu thuế; thu nhập được miễn thuế; cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp đối với một số khoản thu nhập; biểu thuế suất thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công; mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc. Một số quy định của Luật thuế TNCN hiện hành cũng cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2024, qua đó, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, một số quy định về phạm vi, đối tượng chịu thuế trong Luật thuế TNCN chưa bao quát được các khoản thu nhập chịu thuế mới phát sinh; mức điều tiết thu nhập của một số loại thu nhập qua quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ vướng mắc nên cần phải có những sự điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng cải cách thuế quốc tế hiện nay và trong mối tương quan với các nguồn thu nhập khác nhau của cá nhân để thực hiện mở rộng cơ sở thuế và đảm bảo động viên hợp lý nguồn lực cho NSNN.
Qua rà soát, dự án Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung 31 điều trên tổng số 35 điều của Luật thuế TNCN hiện hành (chiếm 88,5%), trong đó có quy định về phạm vi điều chỉnh (Điều 1); về người nộp thuế (Điều 2); về thu nhập chịu thuế (Điều 3); về thu nhập được miễn thuế (Điều 4); về giảm thuế (Điều 5); về kỳ tính thuế (Điều 7); về thuế đối với cá nhân kinh doanh cư trú (Điều 10); về thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú (Điều 11); về thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn của cá nhân cư trú (Điều 12); về thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn của cá nhân cư trú (Điều 13), về thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản của cá nhân cư trú (Điều 14); về thu nhập chịu thuế từ trúng thưởng của cá nhân cư trú (Điều 15); về thu nhập từ bản quyền của cá nhân cư trú (Điều 16); về thu nhập chịu thuế từ nhượng quyền thương mại của cá nhân cư trú (Điều 17); về thu nhập chịu thuế từ thừa kế, quà tặng của cá nhân cư trú (Điều 18); về giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc (Điều 19); về giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo (Điều 20); về thu nhập tính thuế (Điều 21); về Biểu thuế lũy tiến từng phần (Điều 22); về Biểu thuế toàn phần (Điều 23); về thuế đối với thu nhập từ kinh doanh của cá nhân không cư trú (Điều 25); về thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú (Điều 28); về thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản của cá nhân không cư trú (Điều 29); về thuế đối với thu nhập từ trúng thưởng, thừa kế, quà tặng của cá nhân không cư trú (Điều 31) và liên quan đến điều khoản thi hành Luật (Điều 34, Điều 35).
Các nội dung liên quan đến quản lý thuế cũng sẽ được rà soát bãi bỏ để thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế như quy định về quy đổi thu nhập chịu thuế ra Đồng Việt Nam (Điều 6); quy định về quản lý thuế và hoàn thuế (Điều 8); quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trả thu nhập và trách nhiệm của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú (Điều 24) và quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trả thu nhập và trách nhiệm của đối tượng nộp thuế là cá nhân không cư trú (Điều 33). Ngoài ra, bãi bỏ Điều 9 về áp dụng điều ước quốc tế để thực hiện thống nhất theo quy định của Luật Điều ước quốc tế.
Đồng thời, thực hiện sắp xếp, bố cục lại nội dung, thứ tự các Điều, chỉnh sửa câu chữ một số nội dung cho phù hợp, thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung các nội dung có liên quan, đảm bảo tính chặt chẽ, dễ hiểu, dễ thực hiện của Luật sau khi được ban hành. Bên cạnh đó, rà soát để bổ sung quy định giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn phát sinh trong từng thời kỳ, đảm bảo việc thực hiện Luật không vướng mắc, có tính ổn định lâu dài.
Với nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung toàn diện và căn bản như trên, căn cứ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TNCN thay thế Luật thuế TNCN số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007, Luật số 26/2012/QH13 ngày 22/11/2012 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN, Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế.
Họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (19/12/2024)
Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất (14/12/2024)
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 7 - 13/12/2024 (14/12/2024)
Khẩn trương chuẩn bị cho kỳ họp bất thường của Quốc hội vào cuối tháng 2/2025 (11/12/2024)
Phấn đấu GDP năm 2025 đạt 8% (07/12/2024)