Độ tương phản
Là người gắn bó với cây tỏi nhiều năm nay, chị Nông Thị Thương, thôn 1B Khau Cưởm dễ dàng chỉ ra sự khác biệt giữa tỏi Sỹ Bình và một số loại tỏi bán trên thị trường. Về hình dáng, màu sắc, tỏi Sỹ Bình củ nhỏ và trung bình, tép tỏi có màu vàng nhạt. Dù kích cỡ bé nhưng tỏi Sỹ Bình rất rắn chắc, vì thế có thể cất giữ nơi khô ráo khoảng 1 năm không bị hỏng. Do thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và được chăm bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ nên chất lượng củ được bảo đảm với hương thơm nồng, vị cay đượm đặc trưng. Nếu trực tiếp bóc, giã tỏi thì cả ngày mùi tỏi vẫn lưu đọng trên tay người chế biến. Bảo quản được lâu, đậm hương vị nên tỏi Sỹ Bình những năm gần đây chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Từ chỗ trồng để sử dụng trong mỗi gian bếp, dần dần tỏi Sỹ Bình trở thành cây trồng hàng hóa mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều nông hộ. Không chỉ bán tại chợ phiên, tỏi Sỹ Bình theo chân các thương buôn đi khắp các địa phương trong tỉnh, nhất là thị trường thành phố Bắc Kạn. Khi vụ mùa kết thúc, người dân Sỹ Bình bắt đầu trồng tỏi trên các thửa ruộng, sau khoảng 4 - 5 tháng sẽ cho thu hoạch. Với năng suất 3 - 4 tấn/ha tỏi khô, giá bán 50 - 60.000 đồng/kg, mang lại thu nhập từ 150 - 240 triệu đồng/ha. Tỏi thu hoạch xong có thể bảo quản trong thời gian dài nên không gặp áp lực về thời gian bán, cũng có thể tự để giống cho vụ sau. Trồng tỏi chủ yếu tốn công sức làm cỏ, chăm sóc nhưng lại ít bị sâu bệnh gây hại.
Về làm dâu tại Sỹ Bình 30 năm nay, theo nếp của gia đình, năm nào bà Phạm Thị Xuân, thôn 3B Nà Cà cũng trồng đôi luống tỏi để sử dụng. Bà Xuân cho biết, là xã vùng cao nên mùa đông ở Sỹ Bình nhiệt độ xuống rất thấp, bệnh về đường hô hấp ở trẻ nhỏ và người già gia tăng. Vì thế, từ lâu, người dân Sỹ Bình thường trồng tỏi dùng trong chế biến thức ăn hoặc ngâm với mật ong làm thuốc phòng trừ một số bệnh do thời tiết. Nhà ít cũng trồng đôi luống, nhà nhiều trồng cả nghìn mét vuông để sử dụng và bán các chợ phiên.
Bữa cơm trưa của gia đình chị Hoàng Thị Nhạc, thôn 1B Khau Cưởm có món thịt treo gác bếp xào với tỏi tự trồng. Ngay đầu ngõ, mùi thức ăn quyện vị tỏi đã đánh thức vị giác của những ai ngang qua. Chị Nhạc khoe, chế biến món ăn mà dùng tỏi trồng ở Sỹ Bình là nhất bởi loại gia vị này đượm vị. Những ai quen ăn tỏi Sỹ Bình thì dùng tỏi nơi khác, nhất là tỏi nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ thấy hương và vị đều không bằng.
Đồng chí Hoàng Sỹ Bảo - Bí thư Đảng ủy xã Sỹ Bình cho biết, tỏi được trồng ở Sỹ Bình từ khá lâu dùng làm gia vị trong mỗi gia đình và phòng ngừa một số loại bệnh. Những năm gần đây, diện tích trồng tỏi của xã tăng lên khoảng 5 ha do nhu cầu của thị trường và người dân thấy lợi ích kinh tế từ loại cây trồng này. Nếu được đầu tư phát triển, liên kết bao tiêu, tỏi Sỹ Bình sẽ là cây trồng hàng hóa triển vọng cho người dân địa phương./.
Thành phố Bắc Kạn có 99 khu dân cư sau sáp nhập, đổi tên tổ dân phố (20/01/2025)
Na Rì sẵn sàng cho sản xuất vụ Xuân 2025 (15/01/2025)
Chợ Mới triển khai dự án hỗ trợ trâu sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ dân tộc thiểu số (09/01/2025)
Huyện Ngân Sơn quan tâm giải quyết ý kiến, kiến nghị của người dân (09/01/2025)
Thành phố Bắc Kạn: Lập lại trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường (06/01/2025)