PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

21/10/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
“Chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Việc hình thành một số kỹ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 có vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng dạy học. Thời gian qua, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã có nhiều giải pháp tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1; qua đó, giúp các em mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp bằng tiếng Việt, tạo tiền đề để các em học tập, lĩnh hội chương trình giáo dục một cách tốt nhất.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trường Tiểu học Bộc Bố, huyện Pác Nặm tổ chức dạy tiếng Việt
cho trẻ em người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1

Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự quan tâm, ủng hộ của cha mẹ học sinh, việc tổ chức dạy tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 tại các địa phương trong tỉnh cơ bản thuận lợi; 100% các cơ sở giáo dục có cấp tiểu học chủ động xây dựng kế hoạch và các phương án dạy học. Cán bộ quản lý, giáo viên đa số là người dân tộc thiểu số sử dụng được song ngữ trong giao tiếp và giảng dạy. Tất cả trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi đều đã hoàn thành chương trình giáo dục mầm non trước khi vào lớp 1 nên việc tiếp cận các nội dung học tập không quá bỡ ngỡ.

Nhận thức việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 là vấn đề hết sức cần thiết, các cơ sở giáo dục khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực tế của đơn vị để xây dựng các phương án bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và tài liệu phục vụ dạy học, đồng thời, cử giáo viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông có 1 lớp 1 với 27 học sinh. Ngay sau khi tựu trường, nhà trường đã triển khai dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số theo Thông tư 23/2023/TT-BGDĐT ngày 8/12/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo với nội dung: Chuẩn bị tâm thế cho học sinh bước vào lớp 1, rèn các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kỹ năng học tập cơ bản. Nhà trường tổ chức dạy 40 tiết trong 2 tuần.

Cô giáo Lèng Thị Đạo - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông cho biết, các giáo viên cơ bản đã được tập huấn, nhà trường cũng xây dựng kế hoạch chi tiết, họp và chọn giáo viên tăng cường tiếng Việt. Sau triển khai dạy học tiếng Việt, đa số học sinh đã nắm được Tiếng Việt nên cơ bản thuận lợi trong việc học tập.

Học sinh dân tộc thiểu số thường sử dụng tiếng mẹ đẻ trong giao tiếp hằng ngày, vì vậy, các em gặp nhiều hạn chế trong giao tiếp và khó khăn khi tiếp thu, lĩnh hội kiến thức khi bước vào lớp 1. Để khắc phục, các trường thực hiện linh hoạt việc bố trí giáo viên, ưu tiên những giáo viên có năng lực, tay nghề vững vàng, biết tiếng dân tộc và am hiểu văn hoá địa phương để giảng dạy.  

Công tác dạy học tiếng Việt cũng được bố trí phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương, địa điểm dạy học tại điểm chính và điểm trường lẻ. Việc sắp xếp thời khoá biểu và phân bố thời lượng dạy học hợp lý, khoảng từ 40 đến 80 tiết phù hợp với đối tượng trẻ và không tổ chức dạy học vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Sau mỗi tiết học, trẻ được nghỉ chuyển tiết từ 5 đến 10 phút.

Đến hết tháng 8/2024, 100% các đơn vị đã hoàn thành việc tổ chức dạy tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1; có 99,95% trẻ em là người dân tộc thiểu số được học tiếng Việt trước khi vào lớp 1; chỉ có 2 trẻ do nhà xa trường, cha mẹ không thể đưa đón trẻ trong ngày nên không tham gia học.

Sau một thời gian giảng dạy, đa số trẻ có thể giao tiếp bằng tiếng Việt, nắm bắt kịp thời chương trình giáo dục. Trẻ được làm quen với bạn bè, thầy cô và trường lớp, môi trường học tập mới ở trường tiểu học. Cũng tại các lớp học này, trẻ được hướng dẫn cách sử dụng đồ dùng học tập, luyện tập cách cầm bút, tập tô, ngồi học đúng tư thế. Nhờ những hoạt động đó đã bước đầu hình thành và phát triển cho trẻ kỹ năng làm việc theo nhóm, tham gia các hoạt động chung của trường, lớp. Ngoài việc hình thành một số kỹ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng tiếng Việt, việc dạy học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số còn giúp trẻ bước đầu hình thành các kỹ năng giao tiếp, ứng xử xã hội, giúp trẻ tự tin, tạo tâm thế sẵn sàng bước vào lớp 1.

Bên cạnh những thuận lợi trên, học sinh người dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc Mông còn nhiều bỡ ngỡ trong học tiếng Việt, dẫn tới việc hình thành và phát triển kỹ năng sử dụng Tiếng Việt của các em gặp nhiều khó khăn. Ngành Giáo dục và Đào tạo chưa có nguồn kinh phí riêng để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị, tài liệu dạy học tiếng Việt cho các nhà trường...

Hiện nay, ngôn ngữ sử dụng trong hệ thống giáo dục của nước ta là tiếng Việt. Do vậy, việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đây chính là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục tại các địa phương trên địa bàn tỉnh./.

Ngọc Tú