PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

26/04/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chợ Đồn phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới vào năm 2025
Với nhiều thế mạnh, huyện Chợ Đồn được tỉnh lựa chọn phấn đấu về đích nông thôn mới (NTM) năm 2025. Hiện nay, địa phương đang tập trung nguồn lực và các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ này.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Nhà Văn hóa thôn Bản Cuôn 1 được đầu tư xây dựng khang trang,
góp phần đưa xã Ngọc Phái hoàn thành xây dựng nông thôn mới

Hiện nay, Bắc Kạn có 1 đơn vị cấp huyện (thành phố Bắc Kạn) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tiếp nối phát triển, Chợ Đồn và Bạch Thông là 2 địa phương được lựa chọn về đích trong năm 2025. Trong đó, Chợ Đồn có những thế mạnh để tỉnh lựa chọn xây dựng NTM. Huyện Chợ Đồn có 20 đơn vị hành chính, gồm 19 xã và 1 thị trấn, dân số hơn 54.000 người. Đến hết năm 2022, cả huyện có 7 xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, gồm: Yên Thịnh, Yên Thượng, Đồng Thắng, Nghĩa Tá, Phương Viên, Quảng Bạch và Ngọc Phái. Hiện nay, toàn huyện không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí.

Bên cạnh đó, kinh tế của huyện Chợ Đồn phát triển với sự đa dạng của các loại hình kinh doanh dịch vụ, khai khoáng, xây dựng, chế biến nông, lâm sản… Hệ thống giao thông liên huyện, liên xã cơ bản hoàn thiện, thuận lợi cho việc vận chuyển, thông thương hàng hóa. Cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang. Đời sống văn hóa phong phú, giàu bản sắc dân tộc. Đây còn là vùng đất ATK cách mạng được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, cùng nhiều danh lam thắng cảnh và nhiều sản vật nổi tiếng như gạo bao thai, chè shan tuyết, rượu Bằng Phúc…, trong đó, rượu Bằng Phúc đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Những thuận lợi trên góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương, tạo đà trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM.

Để thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, huyện Chợ Đồn đã tập trung xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện. Bên cạnh những mặt thuận lợi, để về đích huyện NTM còn nhiều khó khăn. Với thời gian 3 năm, 19/19 xã của huyện Chợ Đồn phải hoàn thành tiêu chí NTM vào năm 2025. Căn cứ vào tình hình thực tế, huyện Chợ Đồn phấn đấu mỗi năm sẽ có 4 xã về đích NTM. Theo Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn Triệu Huy Chung, khó khăn lớn là nguồn vốn đầu tư, nhất là nguồn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như trường học, giao thông còn thiếu; thứ hai là đời sống kinh tế Nhân dân trong huyện chưa đồng đều, mức thu nhập theo quy định nông thôn mới chưa đạt.

Để đạt được các tiêu chí xây dựng huyện NTM, qua tính toán cần thêm số vốn khoảng 300 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo đảm ở mức tối thiểu. Còn các tiêu chí khác như hỗ trợ phát triển sản xuất, môi trường, an ninh trật tự… sẽ tiếp tục được địa phương tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh thực hiện.


Vườn hồng không hạt của HTX Tân Phong, xã Quảng Bạch

Năm 2023, Chợ Đồn phấn đấu đưa 4 xã về đích NTM gồm: Nam Cường, Đồng Lạc, Bằng Lãng, Lương Bằng; xây dựng xã Đồng Thắng đạt xã NTM nâng cao; 15 thôn đạt chuẩn nông thôn mới. 

Năm nay, huyện được phân bổ hơn 60 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hơn 56 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 5 tỷ đồng hỗ trợ các chương trình, dự án phát triển sản xuất, cải thiện môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa. Các danh mục cần đầu tư chủ yếu là xây dựng trường học, đường điện, nhà văn hóa xã, thôn, thủy lợi… Cụ thể, các công trình sẽ thực hiện như đường điện thôn Cốc Slông, thôn Pù Lùng II (xã Xuân Lạc); đường điện thôn Phiêng Đén (xã Tân Lập), thôn Vằng Doọc (xã Bình Trung); sửa chữa, xây mới trường học chưa đạt chuẩn ở Nam Cường, Bằng Lãng… Dự án liên kết sản xuất sẽ triển khai gồm: Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lợn bản địa; liên kết sản xuất nấm sò, trồng cây dược liệu (xã Đồng Thắng); liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ khoai tây; chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP (xã Nam Cường)…. Ngoài vốn ngân sách trung ương và của tỉnh, huyện sẽ cân đối thêm ngân sách của địa phương để hỗ trợ xây dựng, nâng cấp các nhà văn hóa thôn, thiết chế văn hóa cơ sở, đường giao thông nông thôn...

Hiện nay, Chợ Đồn đã và đang khắc phục khó khăn, quyết tâm cao thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó ưu tiên các nguồn lực, trọng tâm là lồng ghép nguồn vốn xây dựng NTM với nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để thực hiện nhiệm vụ theo lộ trình đề ra. Đẩy mạnh phát triển sản xuất với trọng tâm là phát triển nông nghiệp, liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản, tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển các sản phẩm OCOP. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là nêu cao tinh thần tự nguyện, trách nhiệm của cộng đồng dân cư, chủ thể là Nhân dân đối với các công trình cần hiến đất, giữ gìn vệ sinh môi trường, đẩy mạnh phát triển kinh tế để giảm nghèo bền vững./.

Hương Lan