PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

20/06/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, tỉnh Bắc Kạn đã chủ động các phương án phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Mưa lớn chiều 10/6 khiến nhiều tuyến đường trên thành phố Bắc Kạn bị ngập

Năm 2021, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh được đánh gia diễn biến ít phức tạp hơn so với năm trước. Tuy nhiên, hậu quả thiên tai vẫn còn gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của Nhân dân, cụ thể: Thiên tai đã làm 4 người chết, 5 người bị thương; 2.051 ngôi nhà, 28 phòng học bị hư hỏng; 1.218 ha cây trồng, 10,9 ha ao nuôi nhỏ bị thiệt hại, 54 con gia súc bị chết; 5 công trình thủy lợi, 900 m kênh mương bị hư hỏng, vùi lấp; nhiều tuyến đường bị sạt lở trên 412.000 m3 đất, đá. Ước thiệt hại gần 87,4 tỷ đồng.

Năm 2022, để chuẩn bị tốt cho công tác phòng chống thiên tai, ngay từ tháng 3/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan thường trực về phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự; phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn tỉnh (Ban Chỉ huy) đã tổ chức kiểm tra công tác phòng chống thiên tai trước mùa mưa lũ năm 2022 tại các huyện, thành phố và Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn.

Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh đã sớm ban hành Phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 trước mùa mưa lũ. Trong đó, yêu cầu các đơn vị, địa phương rà soát lại những nguồn lực thực hiện công tác ứng phó thiên tai; dự kiến một số tình huống có thể xảy ra và biện pháp ứng phó; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp. Các địa phương đã rà soát cập nhật, đưa vào phương án 2.154 hộ dân trong khu vực tiềm ẩn nguy cơ cao về thiên tai; trước mắt, trong mùa mưa lũ năm 2022, các địa phương có phương án di dời tạm thời khi cần thiết, về lâu dài, rà soát bổ sung bố trí ổn định xen ghép, tại chỗ theo quy định.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn hồ, đập trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành phương án ứng phó với sự cố vỡ hồ, đập. Đồng thời, sửa chữa hoàn thành 5 công trình hồ chứa với tổng mức đầu tư 52,5 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng; sử dụng các nguồn ngân sách được cấp xây dựng 5.340 m kè bảo vệ bờ sông, khu dân cư, công trình hạ tầng trên hệ thống sông suối của tỉnh với tổng mức đầu tư 119,1 tỷ đồng.

Ban Chỉ huy cấp tỉnh, Văn phòng thường trực của Ban Chỉ huy về phòng, chống thiên tai đã tham mưu ban hành, ban hành theo thẩm quyền các văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố, các ngành chủ động chuẩn bị phương án ứng phó với thiên tai. Đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc theo đúng quy định, cập nhật thông tin, phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tham mưu cho Ban Chỉ huy về công tác cảnh báo, chỉ đạo các địa phương, ngành thực hiện; chuyển bản tin dự báo thời tiết được dự báo có các hiện tượng thời tiết xấu, công điện, công văn chỉ đạo đến các đơn vị, địa phương để chủ động phòng tránh.

Với phương châm “Chủ động phòng tránh - Đối phó kịp thời - Khắc phục hiệu quả”, thực hiện Phương án của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy các cấp đã tham mưu cho UBND cùng cấp kiện toàn Ban Chỉ huy các cấp theo quy định. Các đơn vị, địa phương xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai của Trung ương và địa phương đảm bảo theo quy định; kiểm kê nguồn nhân lực, các vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai; chủ động ứng phó thiên tai với phương châm “bốn tại chỗ”…

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2022, các loại hình thiên tai như rét hại, tố lốc, mưa lớn xảy ra với mức độ bất thường hơn những năm gần đây. Thiên tai đã làm 1 người chết, 5 người bị thương, 361 ngôi nhà bị hư hỏng, trên 1.633 ha ha cây trồng bị thiệt hại, trên 2.100 con vật nuôi bị chết, 31,3 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng; 18 công trình thủy lợi bị hư hỏng, gần 6.000 m đường ống nước bị trôi; 10 cột điện bị nghiêng, đổ; nhiều tuyến đường bị sạt lở đất đá trên 252 m3... Ước thiệt hại khoảng trên 63 tỷ đồng.

Khắc phục sạt lở trên tuyến Quốc lộ 3B đoạn qua đèo Áng Toòng ngày 31/5 đảm bảo giao thông thông suốt

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, các cấp chính quyền đã chỉ đạo các ngành, đơn vị và Nhân dân chủ động phòng tránh, khắc phục kịp thời, hiệu quả. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy tỉnh, cơ quan thường trực Ban Chỉ huy, Văn phòng thường trực, thành viên Ban Chỉ huy đã thành lập các đoàn công tác xuống các địa phương bị thiệt hại trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả; thăm hỏi, động viên kịp thời các gia đình có người bị chết, bị thương, nhà ở bị thiệt hại và hỗ trợ bước đầu giúp người dân giảm bớt khó khăn.

Với những thiệt hại do thiên tai gây ra, các đơn vị, địa phương đã chủ động khắc phục theo phương châm “bốn tại chỗ”, đồng thời huy động tối đa nguồn lực để hỗ trợ Nhân dân khắc phục và sớm ổn định đời sống; huy động các lực lượng tại chỗ để giúp Nhân dân dọn dẹp, sửa chữa, dựng lại nhà cửa; hướng dẫn người dân chăm sóc cây trồng, cung ứng giống vật tư nông nghiệp để gieo cấy lại hoặc chuyển sang cây trồng khác phù hợp với thời vụ…/.

Hương Dịu