Độ tương phản
Những điểm nghẽn trong chuyển đổi số
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trịnh Đức Minh, những năm qua, huyện Pác Nặm đã được quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, song công tác chuyển đổi số trên địa bàn còn nhiều khó khăn, từ cơ sở hạ tầng thông tin chưa đáp ứng cho đến nguồn nhân lực, trình độ dân trí... Đây là những thách thức trong quá trình thực hiện chuyển đổi số của Pác Nặm. Toàn huyện hiện còn 3 thôn chưa có sóng điện thoại, 50 thôn sóng kém và yếu; điều này gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận thông tin cũng như của chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện các nội dung chuyển đổi số, nhất là 2 trụ cột kinh tế số và xã hội số.
Hiện nay, huyện vẫn còn hơn 10 thôn và nhóm hộ trên địa bàn chưa có điện lưới quốc gia, chưa có mạng internet ổn định để sử dụng thường xuyên. Một bộ phận người dân chưa có hoặc chưa sử dụng thành thạo điện thoại thông minh để áp dụng nền tảng số. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn cao, thu nhập của người dân còn thấp…
Tại xã Giáo Hiệu, đây không phải là địa phương khó khăn nhất của huyện, song tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh chỉ chiếm khoảng 25% trong tổng số 2.096 người. Số lượng hộ gia đình có kết nối Internet là 105/445 hộ gia đình. Cơ bản người dân đã được khởi tạo Sổ sức khỏe điện tử, tuy nhiên, tỷ lệ người dân sử dụng ứng dụng chỉ đạt khoảng 20%...
Mặc dù xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, song nhiều nội dung vẫn chưa tạo thành thói quen sử dụng thường xuyên để phát huy hiệu quả như: Chưa ứng dụng thường xuyên hình thức thanh toán điện tử; việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn rất ít. Hạ tầng cơ sở vật chất về công nghệ thông tin tại địa phương nhìn chung đã được đầu tư nhưng còn hạn chế. Hệ thống truyền thanh ở một số nơi hư hỏng thường xuyên không đáp ứng được nhiệm vụ yêu cầu triển khai nội dung chuyển đổi số. Hạ tầng viễn thông Internet trên địa bàn xã chưa đảm bảo. Mạng 3G, 4G cơ bản được phủ sóng ở các thôn trên địa bàn xã, tuy nhiên, do địa hình phức tạp, nhiều đồi núi cao dẫn đến chất lượng sóng tại một số thôn còn kém hoặc không có sóng, điển hình như thôn Khâu Slôm, Hồng Mú và một số nhóm hộ tại thôn Khuổi Lè, gây khó khăn trong triển khai ứng dụng công nghệ, đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân.
Đây là bức tranh về khó khăn trong chuyển đổi số của huyện vùng cao Pác Nặm. Từ những khó khăn này đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của chính quyền cũng như người dân để chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tập trung đồng bộ các giải pháp
Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động của các cấp chính quyền... do vậy, huyện đã sớm ban hành, triển khai các nội dung về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tiến hành chuyển đổi số đồng bộ trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Xã Giáo Hiệu là một trong 8 địa phương được tỉnh lựa chọn thí điểm trong thực hiện chuyển đổi số đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ này. Xác định rõ những khó khăn trên, xã đã từng bước khắc phục từng nhiệm vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số. UBND xã đã triển khai thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của xã tại Bộ phận một cửa với 100% thủ tục hành chính. Theo đó, 100% các văn bản được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng; 100% văn bản đi, đến được tiếp nhận và ban hành trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật hiện hành).
Công chức xã Giáo Hiệu hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản dịch vụ công
Xác định chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân nhận thấy công nghệ là hữu ích, thiết thực, UBND xã đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về xây dựng, phát triển chính quyền số và chuyển đổi số đảm bảo tính khả thi, sát với đặc điểm, tình hình và nhu cầu phát triển của địa phương, đồng thời, thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng, đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng để thúc đẩy chuyển đổi số, giúp người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số. Trên địa bàn xã thành lập 1 Tổ công nghệ số cấp xã và 8 Tổ công nghệ số cấp thôn, hoạt động cơ bản đáp ứng được tình hình nhiệm vụ hiện nay. Cùng với đó, công tác tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số được quan tâm. Hằng năm, UBND xã lập danh sách tham gia tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn; đoàn viên thanh niên; các chủ thể OCOP, hợp tác xã đạt 100%.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trịnh Đức Minh cho biết, đến nay, huyện đã thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực, tạo thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Huyện xác định chính quyền cần đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số, vì vậy đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo về quy định, bảo đảm an toàn thông tin gắn liền với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền số trong hoạt động của cơ quan theo hướng dẫn của trung ương, của tỉnh; triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống, phần mềm, hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin của huyện. Về kinh tế số, xã hội số, huyện tiếp tục triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại Chợ thí điểm Chợ 4.0 và mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử, tạo mã QR cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn huyện…
Để giải quyết khó khăn về hạ tầng, tỉnh và huyện cũng đã dành nguồn lực để đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyển đổi số. Đến nay, tỷ lệ máy tính được kết nối Internet đạt 100%; tổng số máy tính trang bị cho cán bộ, công chức, viên chức đạt 100%; tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức biết sử dụng và sử dụng thành thạo máy tính trong công tác chuyên môn đạt 100%; 100% máy tính sử dụng trong công việc được cài đặt phần mềm diệt virus bản quyền; 100% các cơ quan, đơn vị của huyện có kết nối Internet băng thông rộng và có kết nối mạng LAN; 100% các cơ quan nhà nước đều sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng. Việc đầu tư hạ tầng điện, viễn thông tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa tiếp tục được vận động tài trợ.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác chuyển đổi số, thời gian tới, Pác Nặm xác định tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; nhân rộng các mô hình chuyển đổi số; đẩy mạnh việc sử dụng, cung cấp các nền tảng số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý của cơ quan, địa phương; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện chuyển đổi số.../.
Thành phố Bắc Kạn nỗ lực thu hút nguồn vốn đầu tư (26/12/2024)
Chợ Mới quan tâm thực hiện chuyển đổi số (26/12/2024)
Chợ Đồn hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người dân bị thiệt hại sau cơn bão số 3 (25/12/2024)
Pác Nặm xây dựng nhiều mô hình tuyên giáo (24/12/2024)
Ngân Sơn đạt nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 (23/12/2024)