Độ tương phản
Đến nay, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ chuyển đổi số được chú trọng đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại; 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động; 100% đơn vị, địa phương được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và được chuẩn hóa kết nối giám sát 4 cấp hành chính; tỷ lệ người dùng internet đạt tỷ lệ 91%; tỷ lệ người dân (từ 14 tuổi trở lên) có tài khoản định danh điện tử đạt 58,9%. Từ tháng 7/2024, thực hiện việc cấp căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi theo quy định Luật Căn cước năm 2023, tỉnh đã tiến hành thu nhận được trên 44.000 hồ sơ, đạt tỷ lệ 53,1% trên tổng số trẻ em dưới 14 tuổi của tỉnh. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được duy trì kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư tạo thuận lợi cho việc xác thực thông tin về nơi cư trú trên môi trường điện tử, giúp người dân, doanh nghiệp không phải xuất trình bản giấy những thành phần hồ sơ liên quan đến xác định nơi cư trú... Đặc biệt, nhận thức của người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số đã được thay đổi rõ rệt.
Nhằm đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số đến các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành tại 8 xã, phường thực hiện thí điểm chuyển đổi số năm 2023; việc bồi dưỡng về chuyển đổi số cho các nhóm đối tượng, đặc biệt là Tổ Công nghệ số cộng đồng được tích cực triển khai; các nền tảng số tiếp tục được phát triển, nâng cấp và hoàn thiện.
Thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia, từ năm 2022 đến nay, hàng trăm sản phẩm OCOP của tỉnh được hỗ trợ đưa lên các sàn thương mại điện tử đặc biệt có 2 hợp tác xã (Hợp tác xã Tài Hoan, Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành) được hỗ trợ đưa 21 sản phẩm OCOP tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín quốc tế ALIBABA. Theo số liệu ước tính từ Cục Thương mại điện tử - Bộ Công thương, doanh số của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh từ một số sàn thương mại điện tử lớn, mạng xã hội, website của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và từ dịch vụ trong thương mại điện tử ước đạt trên 33 tỷ đồng trong năm 2023 và trên 16 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024.
Chị Lý Thị Chanh - thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Thiên An, một đơn vị sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thảo dược, đồ thủ công truyền thống người Dao tại xã Vi Hương, huyện Bạch Thông cho biết: “Trước đây, chúng tôi chủ yếu đi chào bán ở các hội chợ, các gian hàng thôi. Sau chúng tôi chuyển sang cả các trang mạng như facebook, tiktok, zalo, các sàn thương mại điện tử... thì việc bán hàng đã dễ hơn, hàng chúng tôi cũng được nhiều người biết đến và thu nhập cao hơn do có nhiều đơn hàng đặt qua các nền tảng”.
Năm 2024, tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo thúc đẩy công tác chuyển đổi số cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của doanh nghiệp và người dân. Hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia (10/10), Ngày chuyển đổi số tỉnh năm 2024 với chủ đề "Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động“, UBND tỉnh đã chỉ đạo Tổ Công nghệ số cộng đồng thực hiện chiến dịch ra quân trong 10 ngày (từ 1 - 10/10) với nội dung “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng để phát triển kinh tế số”; tổ chức Cuộc thi tìm hiểu chuyển đổi số trực tuyến từ ngày 26/8 - 26/9, thu hút 27.002 người dự thi, trong đó có 6.660 người dân, 20.342 cán bộ công chức, viên chức tham gia, tăng hơn năm 2023 gần 6.000 người.
Tại các huyện, thành phố, hoạt động chuyển đổi số diễn ra khá sôi động, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Huyện Na Rì đã tổ chức hội nghị tập huấn cho Tổ Công nghệ số cộng đồng và là huyện đầu tiên trong tỉnh tổ chức xong Ngày hội chuyển đổi số cấp xã tại 17/17 địa phương. Thành đoàn thành phố Bắc Kạn tổ chức Chương trình ra quân Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2024 và Ngày hội chuyển đổi số với gần 300 đoàn viên, hội viên tham gia tuyên truyền, hỗ trợ giúp 1.100 lượt người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; UBND phường Sông Cầu chủ động xây dựng Chatbot trên kênh Zalo của phường; UBND huyện Ba Bể thông qua hoạt động livestream bán hàng qua mạng xã hội đã giúp quảng bá, nâng cao doanh số bán hàng các sản phẩm của huyện tại Ngày hội nông sản OCOP và văn hóa ẩm thực 6 tỉnh Việt Bắc năm 2024…
Chuyển đổi số hiện nay là yêu cầu bắt buộc của thời đại, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng của mỗi địa phương hay quốc gia. Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định “Chuyển đổi số là một trong các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội”. Rất nhiều thách thức, khó khăn đang được đặt ra đòi hỏi sự nỗ lực và sự chủ động rất lớn của các cấp, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp của tỉnh để chuyển đổi số đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số phù hợp nhu cầu của người dân và điều kiện của tỉnh với quan điểm xuyên suốt là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu động lực của chuyển đổi số. Trên hành trình này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia chủ động, sáng tạo của mỗi doanh nghiệp và người dân để chuyển đổi số được thực hiện toàn diện và rộng khắp. Đây chính là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số./.
Triển khai nhân rộng mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh (02/12/2024)
24 chỉ tiêu cơ bản về chuyển đổi số năm 2025 (21/11/2024)
Ngân Sơn đẩy mạnh tuyên truyền chuyển đổi số (06/11/2024)
Cung cấp mã QR tải tài liệu tuyên truyền về phòng, chống lừa đảo trực tuyến trên môi trường mạng (05/11/2024)
Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh (17/10/2024)