PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

03/11/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đặc sắc điệu múa bát của người Tày tỉnh Bắc Kạn
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, Múa bát của người Tày Bắc Kạn vẫn được tồn tại, bảo tồn và phát triển trong đời sống tinh thần của người Tày từ thế hệ này sang thế hệ khác, ngày càng thu hút những người đam mê các làn điệu dân vũ truyền thống của dân tộc. Để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, UBND tỉnh Bắc Kạn vừa có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, đưa Múa bát của người Tày tỉnh Bắc Kạn vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Mảnh đất Bắc Kạn không những giàu truyền thống cách mạng, gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước mà còn là nơi hội tụ bản sắc văn hóa đa dạng phong phú của 7 dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông, Hoa và Sán Chay. Riêng người Tày ở Bắc Kạn có một nền văn hóa cổ truyền phong phú bao gồm các thể loại thơ, ca, truyện cổ tích, truyện cười dân gian, lễ hội truyền thống, ca, múa, nhạc... Các làn điệu dân ca phổ biến nhất là hát lượn phong slư, lượn cọi, hát quan làng, hát ru con... Ngoài ra, đồng bào người Tày còn có một hệ thống những bài dân vũ được lưu truyền qua nhiều thế hệ, thể hiện một cách đa dạng niềm tin và khát vọng của con người trong cuộc sống lao động, sản xuất. Trong số những làn điệu dân ca, dân vũ của người Tày, múa bát là một trong những điệu múa có sự phổ biến rộng rãi nhất và được sử dụng thường xuyên hơn cả.

Xã Đổng Xá, huyện Na Rì là một trong những nơi sinh sống đầu tiên của người Tày cổ trên đất Bắc Kạn. Nơi đây còn tồn tại nền văn hóa cổ truyền của người Tày khá đậm đặc cho đến ngày nay. Các điệu múa có thể xuất hiện muộn hơn so với các làn điệu dân ca, tuy nhiên vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào người Tày. Múa bát đã tồn tại trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng rồi đến các buổi biểu diễn văn nghệ của địa phương và được cha ông người Tày ở Đổng Xá lưu truyền qua nhiều thế hệ hàng trăm năm nay.

Bà Nông Thị Oanh, thôn Nà Quản, xã Đổng Xá, huyện Na Rì cho biết, múa bát là điệu múa đã có từ lâu đời nhưng không ai biết được thực sự nó có nguồn gốc từ đâu. Nhiều người cho rằng, điệu múa bát được bắt nguồn từ việc mô phỏng hoạt động ươm tơ, dệt vải của đồng bào Tày từ xa xưa. Chiếc bát dùng để ươm tơ, nén tơ tằm, còn đôi đũa thực chất để khuấy đều tơ tằm được nén trong bát. Các chị em phải đảo đều tay để cho những sợi tơ cuốn vào chiếc đũa. Động tác cứ như vậy lặp đi, lặp lại nhiều lần cho đến khi có đủ sợi tơ để dệt vải. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, điệu múa bát là điệu múa xuất phát từ nghi lễ cầu mùa hoặc lễ mừng cơm mới của đồng bào người Tày.

Các thành viên Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ thôn Nà Quản, xã Đổng Xá, huyện Na Rì thực hành điệu múa bát

Những năm qua, người cao tuổi của xã Đổng Xá đã rất tích cực phục dựng, truyền dạy lại điệu múa bát cho thế hệ trẻ trong cộng đồng dân cư để trao truyền và phát huy di sản này trong đời sống hiện đại. Các câu lạc bộ văn hóa thể thao người cao tuổi ở đây thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ để bảo tồn các làn điệu dân ca của dân tộc. Họ thường tập hợp nhau tại nhà của thành viên để cùng nhau ôn lại các động tác múa bát cổ, ôn lại giai điệu của bài nhạc để gìn giữ mạch nguồn văn hóa truyền thống của cha ông để lại cũng như động viên thế hệ trẻ cùng bảo tồn những bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.

Đạo cụ thể hiện điệu múa bát là chiếc bát, đôi đũa được bà con dùng trong bữa ăn hằng ngày. Nhịp điệu và các động tác múa bát không khó, không cầu kỳ để bất cứ ai, từ già đến trẻ có thể tham gia nên có sức lôi cuốn rất lớn đối với cộng động. Số lượng người múa thông thường từ 6 đến 8 người và độ dài, ngắn tùy thuộc vào người dựng. Tuy nhiên, để điệu múa tạo ấn tượng thì cần sự chính xác, khéo léo, phối hợp giữa tay, chân nhịp nhàng. Nhịp điệu múa lúc nhanh, lúc chậm kết hợp cùng các động tác rung, lắc cổ tay, tạo ra màn diễn vừa vui nhộn, vừa đẹp mắt. Tiếng gõ bát lúc trầm, lúc bổng như thay cho lời kể, lời tâm tình của những phụ nữ về những nhọc nhằn của họ trong việc ươm tơ, dệt vải. Thông qua đó còn thể hiện mong muốn, khát vọng của người dân về một cuộc sống đủ đầy, không chỉ là ăn ngon mà còn mặc đẹp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhiều tổ nhóm, câu lạc bộ văn nghệ được thành lập đã liên kết, kết nối những người đam mê, yêu thích múa bát với nhau để tổ chức các buổi giao lưu, sinh hoạt phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội ở cơ sở, các phiên chợ, các lễ hội, phục vụ khách du lịch tại địa phương… Điều đó đã tạo điều kiện cho loại hình nghệ thuật này tiếp tục duy trì và có cơ hội phát triển trong đời sống hiện đại.

Đến với những bản làng của người Tày ven hồ Ba Bể, du khách không chỉ say lòng bởi vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, sông nước ẩn hiện sau màn sương mờ ảo mà còn được nhìn ngắm những cô gái Tày thướt tha trong bộ quần áo chàm. Vào bất cứ lúc nào, trên những căn homestay, du khách sẽ được đắm chìm trong không gian âm nhạc của đồng bào Tày với những làn điệu dân ca, dân vũ được lưu truyền qua nhiều thế hệ, trong đó có điệu múa bát đầy vui nhộn, quyến rũ.

Du khách tham quan hồ Ba Bể hòa mình cùng điệu múa bát của người Tày

Chị Nông Thu Biến, đội văn nghệ dân gian thôn Cốc Tộc, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể cho biết: “Mỗi lần biểu diễn cho khách du lịch, đội văn nghệ đều nhận được sự phản hồi rất tốt, du khách rất thích thú với điệu múa bát và chúng tôi cũng không ngừng học hỏi, trau dồi thêm từ các thế hệ trước để phát huy phục vụ du lịch của địa phương”.

Tuy nhiên, những năm qua, việc bảo tồn điệu múa bát cũng còn gặp một số khó khăn như các hạt nhân văn nghệ và những người am hiểu sâu sắc, đầy đủ về múa bát ở địa phương đã cao tuổi, lớp trẻ chưa quan tâm nhiều đến các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Hệ thống phương tiện nghe nhìn ngày nay đa dạng và phong phú hơn đã thu hút sự quan tâm của giới trẻ dành cho những giá trị văn hóa hiện đại nhiều hơn. Văn hóa dân gian, trong đó có dân vũ dân tộc ngày càng mất đi những giá trị nguyên bản. Trước tình hình đó, ngành Văn hóa của địa phương đã có nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch. Nhiều đội văn nghệ dân gian đã được thành lập trên toàn tỉnh và được tập huấn về các làn điệu dân ca, dân vũ cổ truyền trong đó có điệu múa bát. Ngoài ra, các điệu múa dân gian cũng được tổ chức truyền dạy trong một số trường phổ thông dân tộc nội trú, thí điểm thành lập các đội văn nghệ dân gian trong trường học nhằm trao truyền những di sản văn hóa truyền thống của cha ông cho thế hệ trẻ.

Ông Hoàng Minh Thư - Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Sở đang được UBND tỉnh giao xây dựng Nghị quyết về quy định mức chi cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng và mức chi hỗ trợ cho hoạt động của đội văn nghệ dân gian trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Việc xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ sẽ khuyến khích các nghệ nhân có thêm động lực bảo tồn, duy trì, thành lập các đội văn nghệ dân gian, đóng góp vào việc truyền dạy kiến thức văn hóa dân gian, nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.

Ngày nay, khi đồng bào Tày đã biết làm du lịch và phát triển du lịch, để thể hiện lòng mến khách của mình, múa bát đã trở thành điệu múa chào đón khách phương xa mỗi khi đến với Bắc Kạn. Trên những homestay nhà sàn hay trong những lễ hội xuân, những tiếng gõ nhịp nhàng của điệu múa bát như thanh âm vui nhộn của cuộc sống ấm no, đủ đầy của đồng bào người Tày hôm nay. Họ đã kế thừa và phát huy điệu múa cổ của cha ông để lại thành sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, quảng bá văn hóa dân tộc đến với bạn bè ở trong và ngoài nước, góp phần quan trọng làm phong phú thêm diện mạo văn hóa của tỉnh Bắc Kạn nói riêng và cả vùng Đông Bắc nói chung./.

Thu Trang