Độ tương phản
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Xuất phát từ nhu cầu phục vụ sản xuất của gia đình, cuối năm 2021, anh Nông Văn Thành, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn đã mạnh dạn đầu tư máy nông nghiệp cày xới đất, lên luống; năm 2023, anh tiếp tục đầu tư thêm 1 máy để đáp ứng nhu cầu sản xuất và làm dịch vụ.
Anh Thành chia sẻ, từ khi có máy xới đất, lên luống, khâu làm đất trong sản xuất của gia đình anh đã giảm rất nhiều công lao động. Mặt khác, dùng máy làm luống đất được cao, đều, hiệu quả sản xuất nhìn thấy rõ rệt, nhất là trong trồng thuốc lá, những diện tích sử dụng máy, luống đất vun cao cây trồng phát triển tốt hơn, đặc biệt là không lo bị ngập úng, giảm thiểu thiệt hại khi mưa lớn.
Từ hiệu quả thực tế sản xuất của gia đình anh Thành, nhiều hộ dân xung quanh đã đến liên hệ nhờ anh Thành xới đất, làm luống trồng thuốc lá, hoa màu. Hiện nay, không chỉ phục vụ sản xuất trong gia đình, anh Thành còn làm dịch vụ tại các xã trồng thuốc lá, trồng hoa màu tại huyện Ngân Sơn, huyện Bạch Thông, thành phố Bắc Kạn…
Trong những năm qua, việc áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển. Nhiều loại trang thiết bị, máy nông nghiệp được người dân tự đầu tư đưa vào sản xuất hoặc được hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác liên quan đã giúp giảm công lao động, tăng hiệu quả sản xuất.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 17.570 máy cày, máy kéo; 174 máy gặt đập liên hợp; trên 230 máy gặt lúa rải hàng và trên 9.300 máy gặt các loại khác; 75 máy vun luống; gần 2.300 máy bơm các loại, 44 trạm bơm; 4.385 máy phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ điện, xăng; 18 máy sấy nông sản…
Trên địa bàn tỉnh có khoảng 47 cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến, bảo quản nông sản trong lĩnh vực trồng trọt; có khoảng 17 hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến, bảo quản trong lĩnh vực chăn nuôi; 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến trong lĩnh vực lâm nghiệp và 5 cơ sở chế biến, bảo quản thuộc lĩnh vực thủy sản.
Trong sản xuất lúa, hiện nay khâu làm đất, thu hoạch được cơ giới hóa ngày càng cao, khâu làm đất đã cơ giới hóa 96,25%; có 37% diện tích sản xuất được bơm tưới chủ động bằng trạm bơm điện hoặc máy dầu, 62% diện tích được phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy; có 76,25% diện tích sản xuất thu hoạch bằng máy; sản lượng lúa qua sấy chiếm 2% diện tích. Việc sử dụng phổ biến các loại máy làm đất, gặt đập liên hợp đã góp phần tích cực vào việc giảm bớt lao động nặng nhọc cho người nông dân, góp phần giúp khâu sản xuất, thu hoạch đảm bảo thời vụ, tăng năng suất, chất lượng, đặc biệt khâu thu hoạch sử dụng máy móc đã giảm đáng kể tổn thất, hao hụt.
Nâng cao mức độ cơ giới hóa ở các khâu, tiến đến cơ giới hóa đồng bộ
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng mức độ cơ giới hóa của tỉnh vẫn chưa đồng bộ và toàn diện. Một số khâu như gieo cấy, tưới tiêu, sơ chế, chế biến sâu… mức độ cơ giới hóa còn thấp. Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình nên người chăn nuôi chưa thực sự quan tâm đầu tư cơ giới hóa, chỉ một số ít tổ chức, cá nhân chăn nuôi có quy mô vừa và lớn đầu tư cơ giới hóa một số công đoạn như vệ sinh chuồng trại, cho ăn, cho uống, chế biến thức ăn… tuy nhiên, đa phần chưa áp dụng cơ giới hóa đồng bộ.
Nhằm phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đồng bộ, phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất của từng vùng, nhất là đối với vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các chuỗi liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và ngành hàng có giá trị gia tăng cao, tỉnh Bắc Kạn triển khai thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Theo đó, tỉnh Bắc Kạn đề ra mục tiêu cơ giới hóa nông nghiệp đến năm 2030, 100% diện tích trồng lúa, 90% diện tích trồng màu, 60% diện tích trồng cây ăn quả áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất; 100% diện tích trồng lúa, 90% diện tích rau màu, cây ăn quả phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy; 90% diện tích trồng lúa thu hoạch bằng máy; áp dụng cơ giới hóa một số khâu trong chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô vừa và lớn đối với các tổ chức, cá nhân đạt khoảng 90% và khoảng 25% thực hiện cơ giới hóa đồng bộ; cơ giới hóa khâu khai thác vận chuyển gỗ và lâm sản đạt 90%; tốc độ tăng giá trị công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 10%/năm; trên 65% số cơ sở chế biến, bảo quản nông sản chủ lực đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên…
Nhằm đạt mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, giới thiệu các máy móc, thiết bị cơ giới hóa và đào tạo nghề; triển khai hiệu quả chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các chính sách tín dụng hỗ trợ để phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản; khuyến khích đầu tư mới và mở rộng cơ sở chế biến, bảo quản đảm bảo đủ năng lực chế biến, bảo quản đối với những ngành hàng chủ lực, gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung.
Cùng với đó, tỉnh tổ chức sắp xếp các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo định hướng phát triển 3 nhóm sản phẩm (sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm OCOP, sản phẩm là đặc sản của địa phương) để cơ giới hóa đồng bộ, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu và kết nối với khu chế biến nông sản và dịch vụ thương mại nông nghiệp; tăng cường đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản…/.
Nỗ lực bứt phá trong năm 2025 (26/12/2024)
Sản xuất nông nghiệp “sạch” - Bắt đầu từ thay đổi tư duy sản xuất (23/12/2024)
Ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng (21/12/2024)
Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ góp phần giảm nghèo bền vững (20/12/2024)
Thúc đẩy tăng trưởng xanh để kiến tạo không gian phát triển bền vững (19/12/2024)