PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

28/08/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đưa Bắc Kạn trở thành địa phương có môi trường đáng sống
Từng bước hiện thực hóa mục tiêu quy hoạch tỉnh, Bắc Kạn đang triển khai các giải pháp để phấn đấu đến năm 2050 hình thành một nền kinh tế năng động và phát triển khá so với các địa phương trong cả nước, không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, xây dựng đô thị theo hướng sinh thái; trở thành điểm đến du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe chất lượng cao và trở thành một trong những địa phương có môi trường đáng sống của cả nước.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Chất lượng đất, nước, không khí của Bắc Kạn đảm bảo, là điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh,
nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân 

Nguồn tài nguyên phong phú

Bắc Kạn là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên vào loại lớn nhất trong các tỉnh thuộc vùng Đông Bắc. Rừng có vai trò quan trọng, ngoài việc cung cấp gỗ và nhiều loại lâm sản khác, rừng Bắc Kạn còn có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái của cả vùng nói chung.

Bắc Kạn còn có hệ động, thực vật đa dạng, phong phú, có nhiều loài quý hiếm; bên cạnh đó còn có các khu vực bảo tồn đa dạng sinh học như Vườn Quốc gia Ba Bể, Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ, khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc... thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái.

Với tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất cả nước, với hệ sinh thái rừng (các loại gỗ, cây bụi, hệ động thực vật vi sinh vật rừng) phong phú, Bắc Kạn vừa triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường rừng, vừa khai thác hợp lý tài nguyên để phát triển kinh tế lâm nghiệp, dược liệu, du lịch sinh thái.

Cùng với nguồn tài nguyên rừng, theo kết quả quan trắc, môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đảm bảo. Cường độ tiếng ồn và nồng độ các chất trong môi trường không khí tại vị trí quan trắc môi trường nền và vị trí quan trắc môi trường tác động đều có giá trị đo được nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh. Trong giai đoạn này, chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh nhìn chung còn rất tốt, tuy nhiên, ở một số vùng đô thị có nồng độ bụi còn cao.

Chất lượng nước của các tầng chứa nước trong vùng hầu hết các chỉ tiêu đều đạt chất lượng phục vụ ăn uống, sinh hoạt. Chất lượng đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn này chưa có dấu hiệu ô nhiễm.

Với chất lượng môi trường đất, nước, không khí của tỉnh nhìn chung khá tốt, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao cung cấp sản phẩm nông nghiệp cho các vùng đô thị, vùng công nghiệp của cả nước và hướng tới xuất khẩu; phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe…

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, phát triển kinh tế theo hướng xanh và năng động với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại. Tỉnh đặt ra mục tiêu, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 7,5%, trong đó dịch vụ tăng trên 8%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trên 3,5%/năm; công nghiệp - xây dựng tăng trên 11%/năm.

Theo phương hướng phát triển, ngành du lịch phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy, bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa. Phát triển các cụm du lịch gồm: Ba Bể và phụ cận; thành phố Bắc Kạn và phụ cận; An toàn khu Chợ Đồn và phụ cận; Na Rì - Ngân Sơn.

Nhiệm vụ đặt ra với ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản là phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, tập trung nguồn lực phát triển kinh tế rừng với 3 trọng tâm là dịch vụ sản xuất tín chỉ carbon, điện sinh khối và công nghiệp chế biến.

Tỉnh tập trung thu hút, khơi thông nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội bảo đảm đồng bộ, hiện đại với trọng tâm là hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các hành lang kinh tế thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Ưu tiên triển khai đầu tư các dự án giao thông huyết mạch; hạ tầng kỹ thuật, xã hội tại thành phố Bắc Kạn, các thị trấn, đô thị; hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Tích cực ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng. Khuyến khích thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh.

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nền tảng, mở ra rất nhiều dư địa cho thu hút đầu tư, đưa Bắc Kạn thực sự trở thành địa phương phát triển trung bình khá, có nền kinh tế năng động, một trong những địa phương có môi trường đáng sống của cả nước.

Bắc Kạn đang nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường. Cụ thể hóa mục tiêu trên, tỉnh xác định tăng trưởng xanh gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, đưa kinh tế của tỉnh từ tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu.

Theo đó, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương bám sát Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực, nhận thức của cán bộ, Nhân dân về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; nâng cao năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong quá trình triển khai Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ lồng ghép, đánh giá các nội dung về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chuyển đổi sang hình thức sản xuất hữu cơ. Duy trì mật độ che phủ rừng ở mức độ phù hợp, tích cực trồng rừng và bảo vệ rừng, tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, tạo sinh kế bền vững từ kinh tế rừng.

Song song với đó, tỉnh cũng chỉ đạo phát triển các ngành kinh tế theo hướng xanh, tận dụng tối đa các thành tựu khoa học công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ; hình thành vùng chuyên canh với quy mô thích hợp, dựa trên các chuỗi giá trị sản phẩm bản địa, chủ lực, OCOP,…

Đồng thời, phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, phát triển hài hòa ngành công nghiệp năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện thực tế. Phát triển dịch vụ và thương mại theo hướng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa, đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.

Với nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và định hướng triển khai từng nhiệm vụ rõ ràng, tỉnh kỳ vọng những kết quả tăng trưởng xanh sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hứa hẹn đưa Bắc Kạn trở thành địa phương đáng sống của cả nước./.

Hương Lan