Độ tương phản
Thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được phân bổ 14,57 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là hơn 2,1 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 11,9 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn đầu tư, Sở đã thực hiện 3 nội dung: Hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng, bản, văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; hỗ trợ tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số.
Nguồn vốn sự nghiệp dành cho thực hiện bảo tồn, phục dựng Lễ hội Mù Là, xã Cổ Linh (Pác Nặm); xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tại thị trấn Yến Lạc (Na Rì); xây dựng 3 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khảo sát địa điểm thực hiện hỗ trợ hoạt động cho 12 đội văn nghệ truyền thống...
Tháng 10 vừa qua, Nhà văn hóa thôn Nà Hin, thị trấn Yến Lạc (Na Rì) luôn rộn ràng bởi tiếng hát, điệu múa, thu hút đông đảo các nghệ nhân, hạt nhân văn hóa, văn nghệ của thị trấn. Đây là lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa phi vật thể được triển khai theo Dự án số 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 do Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến du lịch tỉnh phối hợp tổ chức. Tại đây, các học viên được những nghệ nhân, báo cáo viên truyền dạy về nội dung trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy những làn điệu then, then cổ, hát ru; điệu múa bát của người Tày và truyền dạy nghề dệt vải. Ngoài ra, các học viên còn được trang bị kiến thức, kỹ năng, cách thức tổ chức, biểu diễn phục vụ khách du lịch. Đây cũng là một trong những nội dung Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến du lịch tỉnh đang gấp rút thực hiện, cùng với việc xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại xã Nam Cường (Chợ Đồn), thị trấn Vân Tùng (Ngân Sơn), xã Như Cố (Chợ Mới) và 12 đội văn nghệ truyền thống đã được thành lập, đang tích cực tập luyện để ra mắt.
Nhằm từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, từ nguồn lực đầu tư của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chính quyền huyện Pác Nặm đã triển khai xây dựng thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố trở thành điểm du lịch cộng đồng bởi đây là nơi sinh sống của 36 hộ đồng bào Sán Chỉ với không gian đậm đà bản sắc văn hóa.
Theo đó, huyện đã dành nguồn lực đầu tư cho Khâu Đấng về đường giao thông, điện lưới, các công trình phúc lợi xã hội; nâng cấp tuyến đường Khâu Đấng - Thôm Bon. Huyện hỗ trợ và hướng dẫn 5 hộ dân kinh doanh dịch vụ homestay, chỉnh trang nhà cửa, khuôn viên, hàng rào, trưng bày các vật dụng truyền thống của đồng bào Sán Chỉ; thực hiện mô hình trồng rau sạch, chăn nuôi các loại vật nuôi để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm…
Cùng với việc xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh còn quan tâm xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với các di sản văn hóa bằng việc phát triển các tour du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng tại các bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số. Hoạt động du lịch sinh thái tại các khu bảo tồn thiên nhiên cũng được quan tâm đẩy mạnh, từ đó tạo sự đa dạng trong sản phẩm du lịch của các địa phương. Điều này đã góp phần mang lại giá trị kinh tế, đồng thời bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn.
Tuy nhiên thực tế hiện nay, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 nói chung và Dự án 6 thuộc Chương trình nói riêng trên địa bàn tỉnh vẫn đang còn chậm. Nguyên nhân là do quy định đặc thù của ngành nên một số công trình, dự án cần có thời gian thẩm định của các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước nên đã ảnh hưởng phần nào đến tiến độ triển khai thực hiện.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Đình Thất cho biết, để đảm bảo giải ngân hoàn thành kế hoạch vốn trong những tháng cuối năm, tập thể lãnh đạo Sở, Tổ công tác của Sở sẽ thường xuyên tăng cường kiểm tra, đôn đốc từng đầu mục công việc cụ thể, chỉ rõ vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, phấn đấu giải ngân ở mức cao nhất.
Có thể khẳng định, trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, tỉnh đã và đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam. Trong đó, Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã tiếp thêm sinh lực để ngành Văn hóa và các địa phương tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn mới./.
Thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và lực lượng đang thi công Khu tái định cư Tà Han (23/11/2024)
Gia tăng bệnh nhân mắc cúm A (22/11/2024)
Tăng cường quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở (22/11/2024)
Đẩy mạnh tuyên truyền trong cấp Phiếu lý lịch tư pháp (20/11/2024)
Tự hào hai tiếng “người thầy” (19/11/2024)