Độ tương phản
Từ hai năm trở lại đây, chị Lý Thị Quyên, Giám đốc Hợp tác xã Thiên An đã chuyên tâm vào thêu may trang phục dân tộc Dao bán theo các đơn đặt hàng. Những đơn hàng này có được đều do chị tuyên truyền, giới thiệu về trang phục truyền thống trên mạng xã hội facebook và đưa chúng trở thành hàng hóa bán ra thị trường. Chia sẻ với chúng tôi, chị Lý Thị Quyên cho biết, bản thân là người dân tộc Dao nên muốn lưu giữ những nét hoa văn trang phục truyền thống của người Dao và không bị mai một đi nên chị đã có ý tưởng đưa một số họa tiết của trang phục người Dao truyền thống vào các trang phục hiện đại nhằm tạo thêm sự tinh tế và cũng lưu giữ được nét đặc trưng của truyền thống dân tộc của người Dao.
Không chỉ thiết kế những bộ quần áo, váy có trang trí những họa tiết của trang phục người Dao mà chị Quyên còn thiết kế những sản phẩm khác như gối đầu, gối ôm, gối dành cho xe ô tô, ga giường, túi đeo, tranh treo tường… Các sản phẩm chị trang trí nhiều họa tiết được thêu thủ công đẹp mắt trên chất liệu vải do chính tay chị lựa chọn. Chị Quyên cũng cho biết thêm, sản phẩm của Hợp tác xã Thiên An thiết kế đã bán ra cả các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Đà Nẵng và các khu du lịch. Đến thời điểm hiện nay, Hợp tác xã Thiên An đã thiết kế trên 400 đơn hàng từ sản phẩm quần áo, váy. Tùy vào từng loại sản phẩm thiết kế cho người lớn hay trẻ em mà mức giá dao động từ 2 - 5 triệu đồng/bộ theo sự cầu kỳ của mỗi loại hoa văn và số đo của người đặt.
Việc đưa trang phục truyền thống trở thành hàng hóa đã góp phần ổn định thu nhập cho các thành viên từ 3,5 - 6 triệu đồng/tháng
Để thiết kế ra những sản phẩm được trang trí họa tiết cầu kỳ theo mẫu truyền thống dân tộc Dao và kịp đơn hàng cho khách, đến nay, Hợp tác xã đã thu hút được 15 thành viên và 30 thành viên liên kết, đều là những chị em có nhiều kinh nghiệm trong thêu may trang phục truyền thống. Chị Lý Thị Chiên, người chuyên thiết kế trang phục cách tân cho biết: “Công việc này cũng vất vả đòi hỏi sự tỉ mỉ. Thông thường, chúng tôi sẽ phải tính toán để đưa thổ cẩm vào trong trang phục sao cho hợp lý, tôn được vẻ đẹp hiện đại của trang phục, đồng thời vẫn đảm bảo được tính truyền thống, phù hợp với các lứa tuổi và được thị trường chấp nhận”.
Trang phục của người Dao đỏ rất độc đáo và ấn tượng. Những họa tiết, hoa văn được dệt nên từ những sợi len với đủ sắc màu xanh, đỏ, vàng, trắng, chàm hoặc đen. Người Dao quan niệm, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ trong cuộc sống, ngoài ra còn mang thêm năng lượng, sức sống và hơi ấm cho núi rừng nên màu đỏ giữ vai trò chủ đạo trong từng bộ trang phục. Họa tiết hoa văn thêu nơi gấu quần - áo, khăn, thường là dấu chân hổ, hình răng cưa, hình quả trám, chữ vạn, hình hoa cúc, cây cối, chim muông… với ý nghĩa hòa hợp với thiên nhiên đã nuôi sống con người. Trang phục của dân tộc Dao trở nên lộng lẫy, độc đáo hơn bởi có sự tô điểm của trang sức như vòng cổ, nhẫn, xà tích… được làm từ nguyên liệu bạc, trạm khảm cầu kỳ, góp phần tạo nên vẻ đẹp duyên dáng và sức hấp dẫn của người phụ nữ. Với những thành quả trong việc phát triển của Hợp tác và những đóng góp nhất định góp phần lưu giữ truyền thống của dân tộc, nhiều năm qua chị Lý Thị Quyên vinh dự được các cấp, ngành trao nhiều danh hiệu cao quý trong sự nghiệp phát triển và lưu giữ những sản phẩm truyền thống của dân tộc.
Chị Lê Thị Hiền - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vi Hương cho biết: "Vi Hương là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bạch Thông với số hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao, hình thức phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp, để cải thiện đời sống cho người dân vẫn còn là vấn đề nan giải của cấp ủy, chính quyền nơi đây. Chính vì vậy, mô hình thêu may trang phục truyền thống của Hợp tác xã Thiên An đang là đáp án của bài toán giảm nghèo cho hội viên phụ nữ xã. Trước mắt, đây là mô hình vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa giữ gìn được nét đẹp truyền thống của dân tộc nên cũng là hướng đi được Hội Phụ nữ xã định hướng phát triển lâu dài."
Với những đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của những người phụ nữ Dao xã Vi Hương, nhiều hoa văn truyền thống của trang phục dân tộc đang được phục dựng lại, giữ gìn cho thế hệ mai sau. Cùng sự năng động của chị em, trang phục truyền thống không chỉ đơn giản mặc hằng ngày mà đang từng bước trở thành hàng hóa, đem lại giá trị đáng kể, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, để mô hình nghề thủ công truyền thống này có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa, phát huy hết giá trị thì vẫn rất cần sự quan tâm định hướng của các cấp, ngành./.
Ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống (13/12/2024)
Chặng nước rút trên tuyến thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể (11/12/2024)
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài (04/12/2024)
Tăng cường kiểm soát, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu (01/12/2024)
Sẵn sàng khởi công cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn (29/11/2024)