Độ tương phản
Với sự quan tâm của các cấp, ngành, việc triển khai thực hiện ba Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Pác Nặm đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp cải thiện và nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Kết quả thực hiện các Chương trình đã giúp các địa phương thay đổi diện mạo, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số có sự khởi sắc.
Huyện đã chỉ đạo tập trung các nguồn lực của Chương trình để đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm sinh kế bền vững, ổn định đời sống Nhân dân trên địa bàn, trong đó ưu tiên đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu (giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế…) phục vụ sản xuất và dân sinh. Tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; sắp xếp, di dời, bố trí ổn định dân cư ở vùng nguy cơ cao về thiên tai. Cùng với đó là nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực. Huyện cũng tăng cường công tác y tế cơ sở, thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Quan tâm xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Các chính sách giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn được thực hiện có hiệu quả, nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bằng Thành là một trong những xã khó khăn của huyện Pác Nặm, từ khi thụ hưởng nguồn vốn đầu tư từ các Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã có nhiều đổi thay.
Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước kết hợp với sự đóng góp của người dân, các tuyến đường giao thông nội thôn, liên thôn, liên xã dần được bê tông hóa, bảo đảm đi lại thuận tiện cho bà con; hệ thống nước sạch, điện lưới quốc gia được kéo tới các thôn, bản. Công trình trường học, trạm y tế, các công trình thủy lợi và cơ sở hạ tầng khác đã và đang được đầu tư xây dựng khang trang, giúp cho Bằng Thành có diện mạo từng bước khởi sắc so với trước đây.
Bằng các nguồn vốn từ Chương trình MTQG, xã đã mở rộng diện tích trồng các loại cây hàng hóa có giá trị kinh tế như cây mận, cây hồng, cây lê… với diện tích hơn 13 ha. Các mô hình chăn nuôi lợn, dê, gia cầm mang lại thu nhập khá cho bà con. Bằng Thành cũng tập trung phát huy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế rừng, vừa nâng cao thu nhập cho người dân, vừa bảo vệ rừng đầu nguồn.
Người dân xã Bằng Thành phát triển đàn dê thương phẩm, nâng cao thu nhập
Là huyện nghèo của tỉnh, các Chương trình MTQG tại huyện Pác Nặm được triển khai có ý nghĩa quan trọng đối với địa phương. Với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Pác Nặm được tỉnh phân bổ và giao dự toán gần 122 tỷ đồng để thực hiện 10 dự án liên quan đến giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, giáo dục đào tạo, bảo tồn văn hóa, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới và công tác truyền thông.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại huyện Pác Nặm cũng đã kịp thời hỗ trợ sinh kế, việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân địa phương. Nguồn lực được tập trung cho địa phương để triển khai thực hiện các tiểu dự án đầu tư phát triển hạ tầng. Trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tiêu chí giao thông là một trong những tiêu chí thực hiện rất khó ở huyện vùng cao Pác Nặm, do điều kiện địa hình chủ yếu là đồi núi, dân cư thưa, tuy nhiên, được sự quan tâm của các cấp, ngành, giao thông đi lại của huyện đã có sự thay đổi đáng kể so với trước đây. Hiện nay, tổng số chiều dài đường xã, liên xã, đường từ trung tâm xã đến đường huyện với 259 km đã được nhựa hoá, bê tông hóa 159 km; tổng số chiều dài đường trục thôn, liên thôn là 313 km, đã được cứng hoá gần 177 km.
Bên cạnh đó, tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động hằng năm đạt khoảng 94,3% đến 96%. Trên địa bàn huyện Pác Nặm có 169 công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng kiên cố, bán kiên cố và 162 công trình tạm, các công trình cơ bản phục vụ có hiệu quả cho sản xuất và đáp ứng cơ bản nhu cầu dân sinh.
Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ Chương trình MTQG, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội huyện Pác Nặm được tăng cường; kinh tế nông thôn phát triển, tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ từng bước được tăng lên, nhiều mô hình kinh tế gắn với nông thôn mới hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; hệ thống chính trị nông thôn được củng cố, tăng cường, an ninh nông thôn được đảm bảo. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các nội dung Chương trình MTQG, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4 - 5% mỗi năm./.
Na Rì sẵn sàng cho sản xuất vụ Xuân 2025 (15/01/2025)
Chợ Mới triển khai dự án hỗ trợ trâu sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ dân tộc thiểu số (09/01/2025)
Huyện Ngân Sơn quan tâm giải quyết ý kiến, kiến nghị của người dân (09/01/2025)
Thành phố Bắc Kạn: Lập lại trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường (06/01/2025)
Pác Nặm tập trung thực hiện công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2025 (02/01/2025)