PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

29/02/2012
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hoàng Phài - di tích lịch sử được công nhận và xếp hạng cấp Quốc gia
Ngày 31/10/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận và xếp hạng di tích lịch sử “Địa điểm Lưu niệm nơi Bác Hồ dừng chân trên đường từ Pác Bó về Tân Trào tháng 5 năm 1945” tại thôn Hoàng Phài xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây là một địa chỉ đỏ đánh dấu một chặng đường lịch sử cách mạng của ông cha ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Ngày 31/10/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận và xếp hạng di tích lịch sử “Địa điểm Lưu niệm nơi Bác Hồ dừng chân trên đường từ Pác Bó về Tân Trào tháng 5 năm 1945” tại thôn Hoàng Phài xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây là một địa chỉ đỏ đánh dấu một chặng đường lịch sử cách mạng của ông cha ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Hiện nay trên toàn tỉnh Bắc Kạn có 12 di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến được Nhà nước công nhận gồm: Di tích chiến thắng Đèo Giàng, Hoàng Phài (Ngân Sơn); Di tích lịch sử Nà Tu, Đồn Phủ Thông (Bạch Thông); huyện Chợ Đồn có 6 di tích lịch sử ATK là: Bản Ca, Đồi Nà Pậu, Khuổi Linh, Đồi Pù Cọ, Khau Mạ, Nà Quân… và 2 di tích danh lam thắng cảnh là: Động Nàng Tiên (Na Rỳ) và Hồ Ba Bể (Ba Bể)

Năm 1945 chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Trong nước, Nhật đảo chính Pháp. Nhận thấy đây là cơ hội ngàn năm có một, tình thế lúc này đòi hỏi ta phải hành động kiên quyết, linh hoạt, mau lẹ, kịp thời. Bác Hồ quyết định nhanh chóng chuyển địa điểm từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Tân Trào (Tuyên Quang) để thuận lợi cho việc lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Trước đó, thực hiện Chỉ thị và Quyết định của Ban Việt Minh liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng, công tác Nam tiến được tiến hành khẩn trương. Tại Bắc Kạn, các đồng chí được giao nhiệm vụ đã nhanh chóng xây dựng cơ sở cách mạng trên con đường Nam tiến.

Trong thời gian này tại xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn phong trào cách mạng của các tổ chức quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Việt Minh phát triển mạnh. Chiều ngày 9/5/1945, Bác Hồ và đoàn đến thôn Hoàng Phài. Bác đeo nón sáp sau lưng, mặc bộ quần áo Nùng đã cũ, quần xắn cao quá đầu gối, đồng chí chỉ huy đã nhận ra đó chính là Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sau khi ổn định, Bác sang lớp bình dân học vụ dạy chữ quốc ngữ của thôn thăm hỏi tình hình học tập của các học viên. Bác dặn: Muốn làm cách mạng phải học chữ. Có học chữ mới biết điều đúng, điều hay.

Sau khi thăm lớp học, Bác quay lại chỗ nghỉ, bộ phận phục vụ đã chuẩn bị cơm nước xong, trước khi vào bữa, Bác phân mỗi mâm ngồi 6 người, trong chốc lát các mâm đã ngồi đúng số lượng như đã sắp xếp. Bộ phận đón tiếp có ý bố trí cho mâm riêng đặt ở vị trí trang trọng trong nhà để dành cho Bác nhưng Bác đã khéo từ chối và nhanh chóng ngồi cùng mâm với các chiến sỹ tại thôn. Tối hôm đó, tại đây diễn ra cuộc gặp mặt thân mật giữa Bác Hồ với đại diện các đoàn thể và nhân dân để nghe Bác nói chuyện và tổ chức liên hoan văn nghệ kéo dài tới 9 giờ đêm mới kết thúc, trước lúc ra về Bác căn dặn nam, nữ thanh niên cố gắng rèn luyện, chăm chỉ học hành để sau này trở thành chủ nhân của nước Việt Nam độc lập. Đêm hôm đó Bác Hồ nói chuyện và ngủ tại nhà dân. Sáng hôm sau, Ban Việt Minh, các đoàn thể xã và nhân dân địa phương đã lưu luyến tiễn Bác Hồ và đoàn cán bộ tiếp tục cuộc hành trình về Tân Trào (Tuyên Quang).

Thời gian lưu lại tại thôn Hoàng Phài của Bác Hồ và đoàn cán bộ đã để lại những tình cảm tốt đẹp, mãi mãi khắc sâu trong ký ức của nhân dân các dân tộc địa phương. Để ghi dấu sự kiện quan trọng này, đồng thời xây dựng một điểm di tích xứng tầm với ý nghĩa lịch sử của nó, nhằm phát huy giá trị một di sản văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, ngày 31/10/2011 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 3503/QĐ- BVHTTDL công nhận và xếp hạng di tích lịch sử “ Địa điểm Lưu niệm nơi Bác Hồ dừng chân trên đường từ Pác Bó về Tân Trào tháng 5 năm 1945” tại thôn Hoàng Phài xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây là di tích thứ 12 của tỉnh Bắc Kạn vinh dự được công nhận và xếp hạng cấp Quốc gia, đóng góp vào danh sách di sản văn hóa cấp Quốc gia trên địa bàn toàn tỉnh. Đó là niềm tự hào không chỉ của Đảng bộ và nhân dân xã Cốc Đán nói riêng mà là của tỉnh Bắc Kạn nói chung./.

Hương Lan