Độ tương phản
Ảnh quochoi.vn
Sáng 11/11, Quốc hội mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng gồm nhóm vấn đề về: (1) Việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động; (2) Công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; (3) Công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19 và thiên tai.
Buổi chiều, chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, đại biểu Quốc hội tập trung vào các nhóm vấn đề: (1) Việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; (2) Việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; (3) Thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; (4) Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.
Quan tâm đến vấn đề đấu thầu thuốc tại các nhà thuốc của bệnh viện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (đại biểu Quốc hội thuộc đoàn Bắc Kạn) cho biết, theo phản ánh của các nhà thuốc bệnh viện thì vẫn còn khó khăn trong đấu thầu thuốc và trên thực tế có những thời điểm người dân khám bệnh xong nhưng không thể mua được thuốc tại nhà thuốc bệnh viện, ảnh hưởng đến việc điều trị của người bệnh. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, vướng mắc này do đâu và bao giờ sẽ giải quyết được vướng mắc này?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho công tác đấu thầu thuốc, đặc biệt là các quy định tại Luật Đấu thầu năm 2023 đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, hiện nay còn một vướng mắc liên quan đến đấu thầu thuốc của nhà thuốc bệnh viện, do đây là nhà thuốc thuộc bệnh viện quản lý và tổ chức mua lẻ để phục vụ cho người dân có nhu cầu, không phải lấy tiền từ ngân sách hay nguồn bảo hiểm y tế. Trước đây, việc mua sắm này hoàn toàn do bệnh viện quyết định, tuy nhiên, theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023, các nhà thuốc bệnh viện cũng thuộc đối tượng cần phải tổ chức đấu thầu, trong khi đó, nhu cầu của người bệnh rất đa dạng nên nhà thuốc bệnh viện gặp nhiều khó khăn khi tổ chức thực hiện.
Đối với vướng mắc này, Bộ Y tế cũng đã nắm được thông tin qua phản ánh của các cơ sở y tế trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và đã được tiếp thu, nghiên cứu, giải quyết trong dự thảo Luật trình Quốc hội bấm nút thông qua tại Kỳ họp. Theo đó, Nhà nước sẽ giao lại quyền chủ động trong vấn đề mua sắm thuốc của nhà thuốc bệnh viện cho các cơ sở y tế và đảm bảo công khai, minh bạch, chịu trách nhiệm giải trình, trên cơ sở đó sẽ cung cấp thêm được thuốc phục vụ cho người dân.
Sáng 12/11/2024, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông với 3 nhóm vấn đề: (1) Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; (2) Việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; (3) Việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, với phương châm hành động của Bộ là “đảm bảo điện tới đâu, viễn thông tới đó, không để ai bị bỏ lại phía sau”, tuy nhiên, trong 761 thôn hiện nay chưa có sóng di dộng (số liệu đến tháng 9/2024) thì có đến 637 thôn đã có điện nhưng vẫn chưa có sóng. Vậy, trách nhiệm của Bộ trưởng đối với vấn đề này như thế nào và đến bao giờ các thôn này sẽ được phủ sóng viễn thông?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong số hơn 700 trạm thôn, bản lõm sóng, có khoảng 140 - 150 trạm chưa có điện, khoảng 100 trạm thuộc trách nhiệm phủ sóng của các nhà mạng do không thuộc vùng đặc biệt khó khăn, còn lại là các trạm thuộc trách nhiệm Quỹ viễn thông công ích đầu tư. Bộ trưởng cho biết, đối với những trạm không có điện, trong thời gian tới, Bộ sẽ triển khai giải pháp vệ tinh. Đối với những trạm thuộc trách nhiệm của các nhà mạng, Bộ đã đôn đốc các nhà mạng thực hiện và đề nghị hoàn thành phủ sóng trong năm 2024, chậm nhất là trong quý I/2025. Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho biết, theo mục tiêu của Bộ là đến tháng 6/2025 sẽ phủ sóng toàn bộ các vùng lõm sóng trên cả nước.
Cùng quan tâm đến lĩnh vực thông tin và truyền thông, đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để khắc phục tình trạng chưa đồng bộ trong xây dựng hạ tầng đường giao thông, điện, nước, viễn thông hiện nay, dẫn đến tình trạng đào lên lấp xuống, việc ai nấy làm, gây lãng phí và ảnh hưởng lớn đến đời sống của Nhân dân.
Bộ trưởng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Thông tư hướng dẫn thực hiện việc ngầm hóa quy hoạch, có giao Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố phối hợp với các ngành liên quan để lập kế hoạch, quy hoạch tránh việc “đào lên hạ xuống” và đã có sự chuyển biến nhất định nhưng vẫn chưa đạt được mong muốn. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan và xem lại Thông tư Bộ đã ban hành so với thực tiễn để sửa đổi cho phù hợp, tối ưu hóa việc ngầm hóa, giảm được chi phí, tránh bất tiện cho người dân.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng và trúng” những vấn đề cử tri, Nhân dân cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.
Trong tuần làm việc thứ 4 của Kỳ họp, tại phiên làm việc hội trường, Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua 3 nghị quyết gồm: Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 (trong đó, có một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước) và Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.
Tại phiên họp Tổ, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã tham gia thảo luận về chủ trương đầu tư chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/Qh13 của Quốc hội; dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất…
Từ ngày 14/11/2024 đến hết ngày 19/11/2024, Quốc hội nghỉ để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết. Ngày 20/11, Quốc hội bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 với nhiều nội dung quan trọng./.
Gấp rút chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thường lệ cuối năm (02/12/2024)
Hơn 12.000 cán bộ, đảng viên tỉnh Bắc Kạn tham dự Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (01/12/2024)
Quan tâm giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri (29/11/2024)
Thanh niên xung phong Bắc Kạn đóng góp quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (28/11/2024)
Họp Tổ Biên soạn công tác xây dựng đảng, chính quyền, đoàn thể phục vụ xây dựng báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (27/11/2024)