Độ tương phản
Nâng cao giá trị các cây trồng thế mạnh
Trên địa bàn huyện Bạch Thông hiện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gồm vùng sản xuất cây cam quýt tại các xã Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong; vùng cây dược liệu lâu năm tại các xã Sĩ Bình, Vũ Muộn, Cao Sơn; vùng sản xuất lúa, vùng sản xuất lâm nghiệp...
Theo đồng chí Đồng Văn Lưu - Bí thư Huyện ủy Bạch Thông, vùng trồng cây ăn quả, giá trị thực tế chưa tương xứng với diện tích hiện có do những năm trở lại đây, diện tích cây quýt toàn tỉnh tăng nhanh, sản lượng lớn, cung vượt cầu. Tại huyện Bạch Thông, diện tích cây quýt đang cho thu hoạch khoảng 1.300 ha, tuy nhiên hiện nay, nhiều diện tích quýt đã già cỗi cho năng suất, chất lượng quả thấp; đầu ra cho quả quýt hiện nay không ổn định, vẫn rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”. Cây cam sành diện tích hiện tại còn thấp, chưa đầy 200 ha; giá trị đem lại trên 01 ha cao gấp ba lần cây quýt; thời gian thu hoạch và bảo quản được lâu hơn, mùa thu hoạch lại đúng vào dịp tết Nguyên đán, do vậy giá trị kinh tế cao hơn. Huyện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả cam, quýt với mục đích chuyển dần diện tích quýt hiện có bằng cây cam sành hoặc các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn theo hai phương án: Một là thay thế diện tích quýt già cỗi hiện có bằng cây cam sành hoặc cây trồng có múi khác, hai là đối với những diện tích quýt hiện có đang phát triển tốt thì chuyển sang trồng theo hướng VietGap, hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị.
Đối với vùng trồng cây dược liệu lâu năm (cây hồi) diện tích hiện có 400 ha, giá trị đem lại những năm gần đây tương đối cao, bình quân từ 80 đến 120 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, nhiều diện tích hiện nay đã già cỗi do trồng từ những năm trước, mặt khác, do người dân chưa đầu tư thâm canh, dẫn đến năng suất, sản lượng thấp, vì vậy, cần thay thế những cây già cỗi, trồng mới để tạo thành vùng nguyên liệu thứ hai sau cây có múi. Huyện chủ trương phát triển cây hồi tại 03 xã Sỹ Bình, Vũ Muộn, Cao Sơn thành vùng sản xuất nguyên liệu dược liệu hồi với mục tiêu có sản phẩm đặc trưng để tạo chuỗi giá trị, thu hút được các doanh nghiệp đầu tư, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới bền vững trên địa bàn.
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong lĩnh vực trồng trọt, huyện Bạch Thông lựa chọn cơ cấu lại những cây trồng đang là thế mạnh để nâng cao giá trị. Chính vì vậy, Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIV đã quyết nghị nội dung chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả cam, quýt và phát triển cây hồi dược liệu theo hướng bền vững, gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2020-2025 là chương trình trọng tâm thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Để thực hiện chương trình trọng tâm trên, tháng 10/2020, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã thông qua Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả cam, quýt và phát triển cây hồi dược liệu theo hướng bền vững, gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2020-2025. Đây là giải pháp cơ bản để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đối với phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong những giai đoạn tiếp theo.
Đảng bộ huyện đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trồng mới 500 ha cây cam sành và xây dựng 03 mô hình trồng cây cam sành không hạt để phục cho việc nhân rộng, tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Thâm canh, cải tạo 300 ha diện tích quýt theo hướng hữu cơ, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Trồng mới 200 ha cây hồi, tạo thành vùng sản xuất cây dược liệu. Thành lập các hợp tác xã sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây ăn quả có múi, cây dược liệu để các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGap. Hỗ trợ các hợp tác xã đầu tư xây dựng cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch.
Huyện Bạch Thông đã xác định rõ các giải pháp cụ thể để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra. Trước hết, huyện quy hoạch vùng sản xuất đối với cây cam sành, trồng tại các xã Quang Thuận, Dương Phong và Đôn Phong; đối với cây hồi, trồng tại các xã Sỹ Bình, Vũ Muộn, Cao Sơn. Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở phối hợp tổ chức phổ biến, tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện sản xuất hàng hóa theo hướng chuyên canh, tập trung thành vùng theo quy hoạch, sản xuất trên cơ sở nhu cầu thị trường gắn với tiêu thụ sản phẩm. Cây giống phải lựa chọn bộ giống chuẩn để đưa vào sản xuất. Huyện sẽ áp dụng theo đúng cơ chế, chính sách được cấp có thẩm quyền ban hành và các quy định khác của Nhà nước; lồng ghép các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất hằng năm theo kế hoạch và nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả cam, quýt và phát triển cây hồi trong những năm tới.
Đầu tư nguồn lực cho tương lai
Bên cạnh việc tập trung cho lĩnh vực kinh tế thông qua phát triển các cây trồng thế mạnh, chương trình trọng tâm thứ hai mà huyện lựa chọn thực hiện là “Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và đào tạo nghề phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương giai đoạn 2020-2025”. Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể huyện Bạch Thông đã triển khai và thực hiện đồng bộ các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch các cấp về giáo dục đào tạo trên địa bàn với sự tham gia của toàn xã hội. Lĩnh vực giáo dục đào tạo của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn huyện đã có 16/35 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 01 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục và đào tạo được cải thiện rõ rệt và từng bước hiện đại hóa đáp ứng nhu cầu dạy và học. Chất lượng giáo dục đào tạo đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng với cơ cấu ngày càng hợp lý. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh; cơ sở giáo dục ngoài công lập bước đầu có chuyển biến tốt. Toàn huyện đã hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ mức độ 2; phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; cơ hội tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách; bảo đảm bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo. Với những kết quả trên, công tác giáo dục đào tạo đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh của của huyện.
Tuy vậy, chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo chưa có nhiều chuyển biến tích cực; chưa chú trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Tỷ lệ học sinh giỏi các cấp học (đặc biệt là ở cấp THCS), số học sinh thi đạt học sinh giỏi cấp tỉnh còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh (năm học 2019-2020 xếp thứ 05/08 huyện, thành phố ở cấp THCS; chưa có học sinh đạt giải cao trong kỳ thi cấp tỉnh, chưa có học sinh giỏi cấp quốc gia ở cấp THPT.
Với quan điểm giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và của toàn xã hội; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo là góp phần vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, Đảng bộ huyện Bạch Thông sẽ tập trung triển khai chương trình trọng tâm “Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và đào tạo nghề phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương giai đoạn 2020- 2025”.
Tại Nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng giáo dục, Đảng bộ huyện Bạch Thông đã đề ra mục tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ 2020-2025 là xây dựng hệ thống trường lớp các cấp học phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của huyện theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá và hội nhập quốc tế; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bảo đảm các điều kiện về thiết bị dạy học, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, tài liệu cho thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo đúng lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục gắn với xây dựng trường chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo theo hướng coi trọng và phát triển phẩm chất và năng lực của người học, tích hợp các hoạt động gắn với nâng cao hiệu quả phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh THCS và THPT; duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục cũng như xoá mù chữ trong toàn huyện; phấn đấu đến năm 2025, có 24 trường học đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có 2 - 3 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.
Đồng chí Đồng Văn Lưu - Bí thư Huyện ủy cho biết, để thực hiện chương trình trọng tâm “Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và đào tạo nghề phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương giai đoạn 2020-2025”, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cũng đã xác định rõ những khó khăn và đề ra các giải pháp thực hiện. Trong đó, phải nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về sự cấp thiết phải chủ động nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi đó là nhiệm vụ trung tâm nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của huyện trong giai đoạn mới; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành hằng năm và cả giai đoạn 2020-2025. Khơi gợi được tình yêu nghề đối với đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; chuẩn hóa đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng dạy và học tại các nhà trường. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục tại các bậc học. Hằng năm, huyện sẽ dành nguồn ngân sách thích hợp và các nguồn kinh phí từ các chương trình khác để bổ sung cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục theo hướng chuẩn hóa…
* * *
Đồng chí Đồng Văn Lưu - Bí thư Huyện ủy khẳng định, trong quá trình thực hiện các chương trình trọng tâm, huyện sẽ gặp nhiều khó khăn do cần phải chuyển đổi nhận thức của các cấp, ngành về sự cần thiết thực hiện các chương trình trọng tâm; nguồn lực đầu tư công trung hạn của huyện rất thấp, hằng năm chỉ có khoảng 10 tỷ đồng; đường xá giao thông còn yếu; nguồn nhân lực thực hiện (đối với phát triển nông nghiệp) thiếu… Tuy nhiên với quyết tâm cao nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình trọng tâm đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra./.
Tăng cường tuyên truyền pháp luật về khoáng sản, lâm sản (31/10/2024)
Đội ngũ bí thư chi bộ phát huy vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở (05/07/2024)
Khối dân vận cơ sở ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động (05/06/2024)
Bắc Kạn sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về phát triển văn hóa, con người Việt Nam (29/05/2024)
Ba Bể: Đạt và vượt 40/63 chỉ tiêu Nghị quyết (23/05/2024)