Độ tương phản
Lưng tựa núi, mặt hướng ra ngã ba sông Tràng Cổ, yên bình và lặng lẽ, đền Thắm mang trong mình huyền sử về vị tướng quần hồng can trường, mưu dũng đã cầm quân đánh tan giặc Cờ Đen vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX. Không chỉ các cư dân vùng núi Bắc Kạn, vào những dịp lễ tết, du khách thập phương đổ về đông nghịt để thắp hương, cầu tài, cầu lộc.
Vàng trong bụng đá
Đền Thắm tại xã Yên Hân, Chợ Mới, Bắc Kạn với nhiều huyền sử, huyền tích đã đi vào tâm thức các cư dân vùng núi nơi đây. Đền nằm ngay cạnh con đường rải nhựa cấp phối dẫn đến xã Quảng Chu. Cách quốc lộ 3 chưa đầy 4 km mà cảm giác thật yên bình thanh tịnh. Dòng sông Cầu vốn cuồn cuộn, gậm gào là thế mà khi về đến ngã ba khúc sông Tràng Cổ lại lặng lờ, hiền dịu. Ở đây có huyền tích về cha con cô Thắm đầy màu huyền ảo.
Đền thắm.
Quần thể đền Thắm được chia làm nhiều phần, gồm đền chính, miếu cô Thắm và miếu Sơn Thần. Đền chính được chia làm ba gian, thờ: Ngũ vị tôn ông, Bách Linh, Đức thánh Trần Hưng Đạo, mẫu Thượng Thiên, Phật Quan âm. Miếu thờ cô Thắm nằm kề ngay bên đền chính, về phía trái có kiến trúc bê tông cuốn vòm, trên bệ thờ là tượng cô Thắm mặc áo xanh, dưới bệ có đôi chim phượng tạc bằng đá. Được biết cuối thế kỷ XIX, đền được tu bổ để thờ Cô Thắm - nữ tướng đã mưu dũng cầm quân đánh tan giặc Cờ Đen.
Nữ tướng cầm quân đánh giặc
Người già vẫn kể, cô Thắm con ông lão đánh cá nết na hiền thục lại xinh đẹp có tiếng, trai khắp mường trên, mường dưới đều mơ ước được kết tóc xe duyên cùng nàng. Đương tuổi xuân thì, nàng bị tay Chúa mường dùng quyền lực bắt về làm vợ. Nàng sống trong cảnh vàng son mà tủi nhục trăm bề, nhất là khi lũ giặc Cờ Đen kéo sang nhũng nhiễu, tên Chúa mường chẳng những không chống giặc mà còn làm tay sai cho chúng. Nàng đã tìm mọi cách thoát ra khỏi nhà tên Chúa mường, tập hợp dân nghèo vùng lên đánh giặc. Tên Chúa mường uất hận và muốn lập công đã dẫn giặc đến đánh. Vị nữ tướng cầm quân kiên cường đánh trả. Tại khúc sông Tràng Cổ đã diễn ra một trận kịch chiến, máu chảy thành sông mà quân sĩ Cô Thắm vẫn không hề nao núng. Chẳng may, nữ tướng trúng phải tên độc mà mất, quân sĩ Cô tức giận quyết chiến để rửa thù. Giặc khiếp sợ tháo chạy tán loạn, tên Chúa mường bị bắt sống và bị xử tử để tế vị chủ tướng. Để tưởng nhớ vị nữ tướng can trường, người dân đã lập đền thờ cô Thắm.
Hàng năm, du khách thập phương về đây lễ bái, cầu nguyện rất đông, nhất là dịp giêng hai. Đã thành lệ, những ngày 2/2 (ngày khai xuân, cầu phúc, cầu mùa), 2/4 (lễ vào hè, giải hạn), 10/7 (lễ cầu an) và 2/12 âm lịch, người ta lại nô nức kéo về. Năm 2005 đền Thắm đã được tu bổ và an ninh cũng được đảm bảo tốt hơn để du khách thập phương yên tâm thăm thú, lễ lạt.
(Theo daibieunhandan.vn)
Đồn Phủ Thông - Trận đánh công kiên của quân dân ta (31/10/2017)
Về Hoàng Phài - Nơi dừng chân của Bác (31/10/2017)
Vang mãi chiến công nơi địa danh lịch sử Đèo Giàng (31/10/2017)
Bản Ca, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn - Địa danh cách mạng nơi Bác Hồ từng sống và làm việc (27/10/2017)
Địa danh Nà Pậu - Nơi Bác Hồ sống và làm việc đầu năm 1951 (26/10/2017)
/ 0
/ 25