PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

31/08/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Kết quả 05 năm triển khai thi hành Luật Công chứng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Luật Công chứng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 20/6/2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Luật Công chứng ra đời đã cụ thể hoá khung pháp lý giúp hoạt động công chứng được thực hiện ngày càng chuyên nghiệp, trở thành dịch vụ công không thể thiếu trong đời sống xã hội, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật; ngăn ngừa rủi ro, tranh chấp trong các quan hệ giao dịch dân sự, kinh tế.... Đây cũng là một trong những giải pháp cụ thể và hữu hiệu để thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Từ khi Luật Công chứng được ban hành đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác công chứng tại địa phương trên cơ sở ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thi hành Luật; từ đó tạo ra tính thống nhất, đồng bộ trong triển khai thi hành Luật.

Công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Công chứng được triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Ngành chức năng đã biên soạn 11.000 tờ gấp giới thiệu về hoạt động công chứng để cấp phát cho người dân tại các xã; tổ chức truyên truyền, phổ biến Luật trên trang chuyên mục của Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn; tuyên truyền trong các Bản tin Tư pháp... Thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến, nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động công chứng được nâng lên rõ rệt, tạo tiền đề cho việc triển khai có hiệu quả Luật Công chứng trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 04 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó, có 03 phòng Công chứng là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp (Phòng Công chứng số 1 có trụ sở tại thành phố Bắc Kạn; Phòng Công chứng số 2 có trụ sở tại huyện Chợ Đồn; Phòng Công chứng số III có trụ sở tại huyện Chợ Mới và 01 Văn phòng công chứng Lê Thanh có trụ sở tại thành phố Bắc Kạn). Chất lượng hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng ngày càng được nâng cao, góp phần khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, trở thành nhu cầu giao dịch thường xuyên, không thể thiếu của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, an toàn xã hội thông qua việc đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

Trong 5 năm (từ 01/01/2015 đến 31/12/2019), các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 24.496 việc; chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký được 35.480 việc, nộp vào vào ngân sách Nhà nước gần 2 tỷ đồng.

Số lượng công chứng các hợp đồng, giao dịch thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng thời gian qua tăng về số lượng và giá trị. Ngoài các giao dịch pháp lý bắt buộc phải công chứng, đối tượng của các hợp đồng, giao dịch mà tổ chức, cá nhân tự nguyện yêu cầu công chứng chủ yếu về bất động sản và động sản.

Thông qua hoạt động công chứng và các quy định hướng dẫn, điều chỉnh pháp luật trở thành hiện thực sinh động của đời sống xã hội, thành hành vi sử xự theo đúng pháp luật, giúp cho người dân có thể tin tưởng lựa chọn công chứng, chứng thực như một sự đảm bảo của Nhà nước về mặt an toàn pháp lý đối với các giao dịch của mình. Từ đó, thúc đẩy sự tăng trưởng về số lượng giao dịch, hợp đồng, góp một phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, do một số tổ chức, cá nhân chưa nhận thức được ý nghĩa và giá trị pháp lý của văn bản công chứng, dẫn đến nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng chưa cao; nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng chưa đồng bộ, thống nhất nên trong quá trình triển khai thực hiện công tác công chứng trên địa bàn tỉnh còn gặp những khó khăn nhất định.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Công chứng trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến, tuyên truyền Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng để tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong việc áp dụng thực tế; nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng; chú trọng phát triển đội ngũ công chứng viên đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội về công chứng, phục vụ đắc lực công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương./.

Hà Lựu