Độ tương phản
Sáng 14/11 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 39.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 2 ngày 14 - 15/11 và dự phòng sáng 19/11. “Phiên họp này có ý nghĩa hết sức quan trọng để thông qua rất nhiều nội dung, nhất là Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến để tiếp thu, giải trình các dự án Luật đã được Quốc hội thảo luận ở Tổ, Hội trường và dự kiến sẽ thông qua tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã đi được 2/3 thời gian, Kỳ họp đang diễn ra đúng theo kế hoạch với yêu cầu: đổi mới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tập trung cao độ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của Nhân dân.
Điểm qua một số kết quả quan trọng của đợt 1 Kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đã thông qua các nghị quyết về công tác nhân sự và 03 Nghị quyết: Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; cho ý kiến đối với 19/22 dự án luật, dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại đợt 2 của Kỳ họp.
“Kết quả biểu quyết cũng cho thấy tỷ lệ các đại biểu có mặt thống nhất rất cao, gần như tuyệt đối. Đây là thành công bước đầu của Kỳ họp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về những nội dung của Phiên họp thứ 39, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 09 dự án luật, gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Dữ liệu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (bố trí trong chương trình đợt 2 của Kỳ họp). Xem xét 5/6 dự thảo nghị quyết để triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 theo đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
Bên cạnh các nội dung nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến bằng văn bản đối với việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý các dự án, dự thảo khác trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Phát huy tinh thần, trách nhiệm cao, hiệu quả từ công tác chỉ đạo, điều hành, tham mưu, phục vụ của đợt 1 Kỳ họp vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội chủ trì nội dung tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ, kịp thời báo cáo Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách để nêu những nội dung thực sự cần thiết, các vấn đề cần xin ý kiến để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận.
Một số nội dung có thể được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp nếu đủ điều kiện như: Luật Dữ liệu; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi),... Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan chủ trì nội dung thể hiện quan điểm rõ ràng có bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua tại đợt 2 hay chưa, làm cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc, xem xét.
“Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhắc nhở chúng ta phải kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, ách tắc hiện nay mà đang cản trở sự phát triển kinh tế xã hội, Trung ương Đảng đã có Nghị quyết, Quốc hội phải thể chế hóa, cụ thể hóa để Chính phủ chỉ đạo, điều hành, khơi thông nguồn lực để phát triển”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nhấn mạnh các nội dung đều rất gấp, cần phải thật khẩn trương tiến hành hoàn thiện, chỉnh lý để trình Quốc hội tại đợt 2 của Kỳ họp; do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phải tham mưu để ban hành sớm kết luận của từng nội dung và triển khai nghiêm túc theo kết luận được ban hành./.
Tháo gỡ nhiều khó khăn khi ngành Giáo dục được chủ động tuyển dụng nhà giáo (20/11/2024)
Thủ tướng và Phu nhân bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Dominicana (20/11/2024)
Việt Nam phải làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (20/11/2024)
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (19/11/2024)
Thủ tướng đề xuất 3 bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa đói nghèo trên toàn cầu (19/11/2024)