Độ tương phản
Cây thuốc lá được người dân huyện Ngân Sơn mở rộng diện tích, mang lại thu nhập khá
Năm 2024 là năm thứ tư huyện Ngân Sơn triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Xác định đây là năm có ý nghĩa quan trọng, huyện tập trung cao độ để triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết đã đề ra. Theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội, huyện phấn đấu đến năm 2025, sản lượng lương thực ổn định ở mức 17.500 tấn/năm; bình quân lương thực đạt trên 590 kg/người/năm; trồng mới 100 ha cây dẻ; duy trì diện tích trồng cây thuốc lá 700 ha/năm, Khẩu Nua Lếch 100 ha/năm; mỗi năm trồng 350 ha rừng; phát triển đàn đại gia súc 12.500 con, đàn lợn 25.000 con…
Hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền các cấp và các ngành, các tổ chức, đoàn thể triển khai các giải pháp phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác, đặc biệt là thâm canh cây trồng có giá trị kinh tế cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất sau thu hoạch. Tuyên truyền nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao, cung ứng kịp thời các loại giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo số lượng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân.
Ngân Sơn đã duy trì các vùng trọng điểm thâm canh sản xuất hàng hóa như: Trồng cây thuốc lá ở các xã phía Bắc; trồng và mở rộng vùng sản xuất lúa nếp Khẩu Nua Lếch ở các xã Thượng Quan, Thuần Mang, Thượng Ân, Bằng Vân; duy trì diện tích, nâng cao chất lượng cây hồng không hạt hiện có; trồng rau đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại thị trấn Nà Phặc; phát triển trồng cây dẻ, phục tráng cây lê, cây đào tại các xã phía Bắc… Trong quá trình thực hiện, huyện tập trung theo hướng đầu tư quy trình công nghệ chăm sóc, cải tạo, thay thế dần những vườn cây ăn quả đã già cỗi, năng suất thấp, nhiễm sâu bệnh bằng các giống tốt, sạch sâu bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Với đặc điểm khí hậu mát mẻ về mùa hè, lạnh hơn các vùng khác vào mùa Đông, huyện đã quy hoạch vùng sản xuất với những cây trồng có giá trị kinh tế cao phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Đến nay, diện tích đất ruộng 100 triệu đồng/ha/năm đạt trên 850 ha, trong đó, cây nguyên liệu thuốc lá được trồng tập trung tại các xã phía Bắc duy trì diện tích hơn 900 ha; cây lúa nếp Khẩu Nua Lếch hằng năm đạt hơn 100 ha. Giống lúa này đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phục tráng thành công và nhân rộng, sản phẩm gạo nếp Khẩu Nua Lếch được cấp nhãn hiệu tập thể, trở thành hàng hoá có thị trường tiêu thụ ổn định. Cây dẻ ván những năm gần đây được phát triển khá mạnh với 190 ha, vượt mục tiêu Nghị quyết.
Xác định chăn nuôi là ngành sản xuất quan trọng trong kinh tế nông lâm nghiệp của huyện, Ngân Sơn tập trung vỗ béo trâu, bò, chăn nuôi lợn theo hướng trang trại, gia trại gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tăng cường ứng dụng kỹ thuật trong chăn nuôi, chăm sóc, thực hiện tốt công tác thú y, phòng trừ dịch bệnh. Huyện còn phát triển chăn nuôi trâu, bò, ngựa theo phương thức bán thâm canh nhằm nâng cao tầm vóc, chất lượng, hiệu quả. Hiện nay, tổng đàn gia súc (trâu, bò, ngựa) đã đạt trên 10.000 con, đàn dê 860 con, đàn lợn trên 42.500 con, gia cầm trên 406.000 con. Một số vật nuôi đã vượt chỉ tiêu Nghị quyết. Các mô hình gia trại chăn nuôi tập trung chủ yếu tại các xã Bằng Vân, Vân Tùng, Lãng Ngâm, Nà Phặc, Hiệp Lực và thị trấn Nà Phặc.
Công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đạt được kết quả khá tốt, diện tích rừng ngày càng tăng. Để khai thác hiệu quả, nâng cao giá trị rừng trồng, toàn huyện có gần 30 cơ sở chế biến lâm sản, tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương.
Để nâng cao giá trị sản xuất, huyện khuyến khích, vận động Nhân dân chuyển đổi phương thức sản xuất kinh tế hộ sang liên kết, hợp tác, đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã để thúc đẩy phát triển nông nghiệp địa phương theo hướng bền vững. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 33 hợp tác xã hoạt động đã thu hút được một số lao động tại địa phương, góp phần giải quyết việc làm. Một số hợp tác xã đã mạnh dạn thay đổi phương thức hoạt động, ngành nghề kinh doanh nhằm phát huy những tiềm năng, thế mạnh của huyện. Các sáng lập viên của hợp tác xã ngày càng trẻ hóa và năng động hơn trong công tác quản lý hợp tác xã và tiếp cận, mở rộng thị trường kinh doanh.
Ngành nông lâm nghiệp đang khẳng định là ngành kinh tế chủ lực của huyện Ngân Sơn, các ngành hàng thế mạnh của địa phương tập trung chủ yếu là các sản phẩm nông lâm nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 10 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao; năm 2024 có thêm 6 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm hàng hóa đã có thương hiệu trên thị trường như gạo nếp thơm Khẩu Nua Lếch, Măng ớt Phong Phin, Bún/phở khô Quỳnh Niên, Hạt dẻ ván của Hợp tác xã Hợp Phát, dưa lưới Thành Đạt, nấm hương Thành Quang… Đây là những sản phẩm thế mạnh của huyện được sản xuất hàng hóa với diện tích ngày càng mở rộng.
Sản phẩm Khẩu Nua Lếch và dẻ ván được giới thiệu tại Ngày hội nông sản OCOP và văn hóa ẩm thực 6 tỉnh Việt Bắc tại thành phố Bắc Kạn
Tiếp tục bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, huyện Ngân Sơn xác định tiếp tục tận dụng tối đa những tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển nông, lâm nghiệp, trong đó tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo an ninh lương thực trước mắt và lâu dài.
Huyện xác định phát triển, mở rộng vùng trồng lúa đặc sản Khẩu Nua Lếch tại các xã có điều kiện tốt về đất đai, tưới tiêu thuận lợi như Thượng Quan, Thuần Mang, Bằng Vân, Thượng Ân, Cốc Đán, Nà Phặc, duy trì mỗi năm 150 ha; mở rộng diện tích trồng rau, theo hướng thâm canh tăng năng suất và sản xuất rau an toàn, bình quân mỗi năm 5 ha tại các xã phía Nam như Hiệp Lực, Nà Phặc, Thuần Mang.
Địa phương tập trung duy trì ổn định diện tích cây thuốc lá tập trung tại các xã trên địa bàn huyện; áp dụng các biện pháp thâm canh, phòng trừ sâu bệnh nâng cao năng suất, chất lượng thuốc lá; xây dựng mô hình thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm thuốc lá tại các xã trên địa bàn huyện.
Diện tích cây dẻ duy trì 190,5 ha hiện có và đến năm 2025 trồng mới đạt 100 ha tại các xã Cốc Đán, Thượng Ân, Bằng Vân, Đức Vân, thị trấn Vân Tùng và thị trấn Nà Phặc gắn với duy trì phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm hữu cơ.
Ngân Sơn hướng tới phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh. Thông qua hoạt động du lịch nhằm quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương như cây đào, dẻ, dâu tây, nho hạ đen, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của địa phương./.
Ngân Sơn đạt nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 (01/01/2025)
Chợ Mới quan tâm thực hiện chuyển đổi số (01/01/2025)
Người dân thôn Tà Han bốc thăm vị trí nhà ở mới tại Khu tái định cư (30/12/2024)
Chợ Mới: Hết năm 2025, xóa 279 nhà tạm, nhà dột nát (28/12/2024)
Chợ Mới chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng (27/12/2024)