Độ tương phản
Các đại biểu dự Hội nghị
Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh kịp thời triển khai và chỉ đạo các chi nhánh, tổ chức tín dụng và tổ chức khác có hoạt động ngân hàng trên địa bàn thực hiện các quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngành Ngân hàng thực hiện các giải pháp cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, bão số 3 (Yagi).
Tổng huy động vốn của các Ngân hàng trên địa bàn đến 31/12/2024 đạt 16.600 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cuối năm 2023 (kế hoạch tăng từ 10 - 12%), trong đó, huy động vốn của tổ chức kinh tế đạt 4.328 tỷ đồng, chiếm 26,1%, tăng 6,2% so với cuối năm 2023; tiền gửi tiết kiệm dân cư đạt 12.245 tỷ đồng, chiếm 73,8%, tăng 19% so với cuối năm 2023; giấy tờ có giá trị đạt 27 tỷ đồng, chiếm 0,2%, không thay đổi so với cuối năm trước.
Tổng dư nợ cấp tín dụng đến 31/12/2024 đạt 15.605 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cuối năm 2023 (kế hoạch tăng từ 8 - 10%), trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt 4.742 tỷ đồng, chiếm 30,4% trong tổng dư nợ, tăng 36% so với cuối năm 2023; dư nợ trung, dài hạn đạt 10.863 tỷ đồng, chiếm 69,6% trong tổng dư nợ, tăng 16% so với cuối năm 2023.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động Ngân hàng trên địa bàn còn có những khó khăn như việc mở rộng tín dụng, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã và nền kinh tế còn hạn chế, chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn, tài sản bảo đảm theo quy định, hoạt động chủ yếu quy mô nhỏ, lẻ, thiếu dự án, phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bị tác động bởi thiên tai, dịch bệnh. Tỷ lệ nợ xấu ở một số thời điểm có xu hướng tăng do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị tác động bởi thiên tai, dịch bệnh, một số khách hàng doanh nghiệp có dư nợ lớn gặp khó khăn trong thực hiện các dự án du lịch, thủy điện...
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá sâu những nguyên nhân, hạn chế, khó khăn trong triển khai hoạt động Ngân hàng, nêu ra các giải pháp trong thời gian tới. Các đại biểu cũng đã thống nhất cao những nội dung chỉ tiêu của năm 2025 với nhiệm vụ tăng trưởng huy động vốn, tăng trưởng dư nợ và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu...
Theo đó, trên cơ sở dự báo tình hình, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của ngành Ngân hàng và thực tiễn tại địa phương, hệ thống Ngân hàng tỉnh Bắc Kạn đề ra mục tiêu năm 2025: Phấn đấu huy động vốn tăng từ 8 - 10% so với cuối năm 2024; dư nợ tăng từ 8 - 10% so với cuối năm 2024; nợ xấu chiếm tỷ lệ dưới 3% trong tổng dư nợ.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Đoàn Sỹ Quý phát biểu tại Hội nghị
Kết luận Hội nghị, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Đoàn Sỹ Quý nhấn mạnh, năm 2025, cùng với việc sắp xếp lại bộ máy, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh dự kiến sau sắp xếp thành Chi nhánh khu vực tiếp tục thực hiện tốt cơ chế, chính sách chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của địa phương; theo dõi, nắm bắt và phối hợp với các ngành chức năng tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; cung ứng đầy đủ, kịp thời dịch vụ thanh toán, ngân quỹ cho các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước trên địa bàn.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của địa phương, đơn vị; đẩy mạnh huy động vốn, chấp hành nghiêm quy định về lãi suất, phí, bảo hiểm; tăng trưởng tín dụng an toàn, bền vững, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng hoạt động đúng quy định của pháp luật; tập trung công tác chuyển đổi số, cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng số, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.../.
Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (20/01/2025)
Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 1/2025 (16/01/2025)
Văn phòng Tỉnh ủy triển khai nhiệm vụ năm 2025 (13/01/2025)
Báo Bắc Kạn khẳng định vị thế cơ quan báo Đảng địa phương trong thời đại công nghệ số (13/01/2025)
Triển khai 55 mô hình khuyến nông trong giai đoạn 2025 - 2027 (13/01/2025)