PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

11/11/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nhà thơ Nông Quốc Chấn và những đóng góp cho phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số
Sinh năm 1923, trong một gia đình trí thức ở bản Nà Cọt, xã Cốc Đán, châu Ngân Sơn (nay là huyện Ngân Sơn), nhà thơ Nông Quốc Chấn sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và có nhiều đóng góp cho đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số Việt Nam.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Nhà thơ Nông Quốc Chấn (ngoài cùng bên trái) cùng các nhà thơ Chế Lan Viên, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông (Ảnh tư liệu)

Từ năm 1941, ông tham gia công tác Thanh niên Cứu quốc và các công việc đoàn thể ở địa phương. Năm 1945, ông theo học nhiều trường, lớp chính trị, văn hóa, văn nghệ; giữ nhiều chức vụ như Trưởng ty Thông tin Bắc Kạn, đại biểu Quốc hội khóa II, Ủy viên Tiểu ban Văn nghệ Trung ương Đảng, Khu ủy viên Đảng bộ Khu tự trị Việt Bắc, Phó Ban Tuyên huấn Khu ủy, Chủ tịch Hội Văn nghệ Việt Bắc, Giám đốc Sở Văn hóa Việt Bắc, Chủ nhiệm Nhà Xuất bản Việt Bắc.

Từ 1964 đến năm 1970, nhà thơ đã kinh qua nhiều chức vụ ở Hội Văn nghệ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Văn hóa; từ năm 1970 là Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ba Lan, kiêm nhiệm các chức vụ Giám đốc Nhà Xuất bản Văn hóa dân tộc (1970 - 1973), Tổng Biên tập tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (1973 - 1975), Giám đốc Nhà Xuất bản Văn học (1979 - 1980), Hiệu trưởng Trường viết văn Nguyễn Du (1983 - 1985), Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa (1984)…

Trong quá trình hoạt động công tác, ông luôn gắn bó với thực tiễn, am hiểu và có tầm nhìn xa, trông rộng, có định hướng đúng đắn cho sự phát triển văn hóa văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam và có nhiều đóng góp trên nhiều lĩnh vực. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà thơ Nông Quốc Chấn để lại nhiều tác phẩm như Tiếng ca người Việt Bắc, Dòng Thác, Bài thơ Pác Bó, Suối và biển, Dọn về làng, Việt Bắc đánh giặc, Người núi Hoa, Đèo Gió,… Trong đó, tác phẩm “Dọn về làng” sáng tác năm 1950 viết về quê hương trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Bài thơ này đã được trao giải Nhì tại Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới ở Béc-lin năm 1951, sau đó được dịch đăng trên tạp chí châu Âu. Bài thơ viết bằng tiếng Tày, do tác giả tự dịch sang tiếng Việt.

Ngoài sáng tác, nhà thơ còn đặt lời bằng tiếng Tày và dịch sang lời Tày một số bài hát về phong trào cách mạng. Nhà thơ cũng là người viết nhiều cuốn sách lý luận phê bình về phát triển văn hóa, VHNT, nhất là văn hóa, VHNT dân tộc thiểu số Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nhận thấy tầm quan trọng của công tác bảo tồn bảo tàng, nhà thơ Nông Quốc Chấn đã đề nghị với Đảng và Nhà nước mở rộng và nâng tầm Bảo tàng Tổng hợp Khu Việt Bắc thành Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Hiện nay, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là một trong 5 khối bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bảo tàng hiện lưu giữ trên 4.500 tài liệu hiện vật gốc, phim ảnh; 335 tài liệu khoa học bổ trợ và 1.400 tài liệu chữ viết, hệ thống trưng bày.

Trong công tác quản lý, nhà thơ Nông Quốc Chấn đã có sự quan tâm sâu sắc tới các chính sách dân tộc. Với trọng trách Thứ trưởng phụ trách về miền núi, nhà thơ đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước thành lập Vụ Văn hóa dân tộc. Vụ Văn hóa dân tộc hiện là cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Từ khi thành lập cho đến nay, Vụ Văn hóa dân tộc luôn phát huy chức năng nhiệm vụ trong công tác tham mưu, xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, chương trình, đề án, dự án về bảo tồn, phát huy, phát triển các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong lĩnh vực đào tạo, nhà thơ, nhà quản lý Nông Quốc Chấn có công lao lớn trong việc đưa Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc nâng cấp thành hệ đào tạo cao đẳng và trực thuộc Trung ương, nay là Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc.

Với những đóng góp to lớn của mình, sau hơn 50 năm hoạt động, nhà thơ, nhà văn hóa Nông Quốc Chấn đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT và nhiều loại Huân chương, Huy chương cao quý khác…/.

Ngọc Tú