Độ tương phản
Giáo dục truyền thống quê hương, giáo dục và định hướng lý tưởng cho học sinh ở những khu di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sĩ, để từ đó, mỗi học sinh tự hào và am hiểu về lịch sử địa phương, có ý thức bảo vệ, gìn giữ những di tích lịch sử của quê hương mình - đó là những hoạt động trải nghiệm được các nhà trường trên địa bàn huyện Bạch Thông tiến hành trong nhiều năm học qua.
Bạch Thông là mảnh đất anh hùng, nơi đã diễn ra nhiều trận đánh kiên cường, anh dũng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược như trận Phủ Thông, trận Đèo Giàng… Ngoài 2 di tích lịch sử xếp hạng quốc gia là Di tích Đồn Phủ Thông và Di tích lịch sử Nà Tu, trên địa bàn huyện còn có các di tích lịch sử cấp tỉnh như: Chùa Hoa Sơn, xã Vi Hương; Di tích lịch sử Khau Cưởm, xã Sỹ Bình; Di tích lịch sử Ngườm Hẩu, xã Sỹ Bình; Di tích lịch sử nhà ông Hoàng Văn Lường, xã Quân Hà…
Cùng với việc dạy văn hóa, để học sinh hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa, lịch sử cũng như những truyền thống tốt đẹp của ông cha, hằng năm, các nhà trường trên địa bàn huyện đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa như cho học sinh đi tham quan các di tích lịch sử để tạo hứng thú học tập cho các em, từ đó giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, nhất là vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn như Ngày sinh nhật Bác (19/5), Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7)... Qua mỗi lần tham quan, một số trường học cho học sinh viết bài giới thiệu về lịch sử hình thành, biện pháp bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích. Đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực bởi thông qua đó nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Nói về vấn đề này, ông Đặng Hữu Dương - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bạch Thông cho biết, việc tổ chức các tiết học thực tế gắn với các di tích lịch sử của địa phương là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương. Từ đó, các em biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn. Việc làm này là cần thiết và là một hướng đi đúng, phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay, bởi nội dung giáo dục truyền thống sẽ được thực hiện một cách linh hoạt, mềm dẻo, đa dạng thông qua các di tích lịch sử. Không có sự giáo dục truyền thống nào tốt hơn khi các em được hiểu về mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên, về nơi mà ông bà, cha mẹ mình đã sinh cơ, lập nghiệp. Tình yêu đất nước của mỗi người đều phải bắt nguồn từ tình yêu gia đình, làng xóm, quê hương...
Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 120 di tích, bao gồm 64 di tích đã được xếp hạng (2 di tích quốc gia đặc biệt, 7 di tích quốc gia, 55 di tích cấp tỉnh) và 56 di tích kiểm kê chưa xếp hạng. Trong số những di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến được Nhà nước công nhận, nổi bật nhất vẫn là quần thể di tích lịch sử ATK Chợ Đồn, trong đó có 6 di tích lịch sử cấp quốc gia gồm Bản Ca, Nà Pậu, Khuổi Linh, Bản Bẳng, Nà Quân, Đồi Khau Mạ; 4 di tích lịch sử cấp tỉnh gồm Nà Pay, Phja Tắc, Đồi Khuổi Đăm, Nà Kiến.
Tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi quần thể ATK Chợ Đồn trên địa bàn các xã Lương Bằng, Nghĩa Tá và Bình Trung nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đưa ATK Chợ Đồn trở thành điểm “về nguồn”, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Chương cho biết: “Đây là nguồn tư liệu vô giá để khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức nỗ lực phấn đấu trong học tập, rèn luyện của thế hệ trẻ. Do vậy, xong quy hoạch, chúng tôi sẽ từng bước thực hiện tu bổ, tôn tạo các di tích thành phần trong quần thể, phát huy vai trò là nơi giáo dục truyền thống, thu hút khách du lịch đến với địa phương”.
Nhận thức được vị thế, những giá trị to lớn, giàu tính nhân văn của các di tích lịch sử - văn hóa và cách mạng, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa và cách mạng. Nhiều địa phương chỉ đạo các đoàn thể, trường học tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia chỉnh trang, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích, nghĩa trang liệt sĩ, có nơi giao cho đoàn viên thường xuyên chăm sóc, bảo vệ di tích; dâng hương tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ; kết nạp đội viên, đoàn viên tại các khu di tích lịch sử; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan, du khảo về nguồn, tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa, thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công bằng những việc làm mang tính giáo dục sâu sắc. Thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực đã tạo ra môi trường lành mạnh, giúp cho thế hệ trẻ phát huy truyền thống yêu nước, xác định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, đạo đức trong sáng và ý thức được trách nhiệm của bản thân để phấn đấu trong học tập và rèn luyện, trưởng thành, phát huy tinh thần xung kích tham gia các hoạt động an sinh xã hội, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
Bế mạc Giải vô địch bóng chuyền tỉnh Bắc Kạn năm 2024 (15/12/2024)
Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp cuối năm (15/12/2024)
Khai mạc Giải vô địch Bóng chuyền tỉnh Bắc Kạn năm 2024 (12/12/2024)
Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn kết với phát triển du lịch (10/12/2024)
Thành phố Bắc Kạn giành giải Nhất Liên hoan dân vũ và nhảy Flashmob tỉnh Bắc Kạn năm 2024 (09/12/2024)