Độ tương phản
Nhiều lợi ích từ sản xuất theo chuỗi
Là một trong những đơn vị tham gia Kế hoạch đầu tư chiến lược phát triển chuỗi giá trị dong riềng tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2023, đến nay, Hợp tác xã (HTX) Tài Hoan đã xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định; có dây chuyền sản xuất khép kín, từ máy nghiền củ, máy tách bột, máy tráng, máy cắt và hệ thống đóng gói, bao bì; sản phẩm miến dong của HTX khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, được nhiều siêu thị, cửa hàng trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng tiêu thụ.
Giám đốc HTX Tài Hoan Nguyễn Thị Hoan cho biết, với mục tiêu tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, HTX luôn duy trì sản xuất theo chuỗi khép kín từ khâu trồng trọt đến chế biến, sơ chế, đóng gói. Trung bình mỗi năm, HTX cung ứng cho thị trường khoảng 250 tấn miến, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 40 người với mức lương từng 6 - 7 triệu đồng/tháng. Miến dong Tài Hoan ngoài phân phối trong hệ thống siêu thị Coop Mart thì kênh chính là các cửa hàng giới thiệu đặc sản địa phương hoặc các đại lý, đầu mối ở các địa phương. Các sản phẩm của HTX cũng đang được xuất khẩu sang CH Séc, Australia và Mỹ.
Sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan đã có mặt trên sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế alibaba.com
Tham gia phát triển chuỗi giá trị ngành hàng từ năm 2020, HTX Nông nghiệp Tân Thành, thành phố Bắc Kạn cũng được ngành chuyên môn đánh giá là một trong những đơn vị điển hình về duy trì, phát triển chuỗi giá trị. Thực hiện dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nghệ, HTX hiện có 44,6 ha vùng nguyên liệu, trong đó 8,6 ha sản xuất theo hướng hữu cơ; có cơ sở chế biến, đóng gói bảo đảm an toàn thực phẩm, đúng quy cách, thông tin rõ ràng về phương thức sản xuất, nguồn gốc sản phẩm. Quy trình sản xuất của HTX được áp dụng theo chuỗi, kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến thực hành trên vùng trồng và bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm chủ lực là tinh bột nghệ nếp đỏ và tinh bột nghệ nếp đen được nhiều đơn vị liên kết tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Buôn Ma Thuật, Đăk Lăk, Lào Cai, Sa Pa, Điện Biên, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chi Minh... và một số công ty xuất nhập khẩu, đem lại thu nhập cao cho thành viên HTX và các hộ dân tham gia liên kết với HTX.
Đánh giá hiệu quả các chuỗi giá trị, Giám đốc Sở Công Thương Hà Sỹ Thắng cho biết, Bắc Kạn hiện có 6 chuỗi liên kết tham gia thực hiện theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm được UBND tỉnh phê duyệt; 21 sản phẩm chế biến từ các ngành hàng đã được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Các chuỗi liên kết giúp người dân sản xuất theo nhu cầu thị trường nên việc tiêu thụ tương đối thuận lợi, thu nhập cao hơn 10 - 15% so với sản xuất theo phương thức cũ; cùng với đó nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả hoạt động của các HTX, giúp doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định để sản xuất, mở rộng quy mô; tạo thuận lợi cho các ngành chức năng trong kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, HTX
Không phủ nhận phát triển chuỗi giá trị nông sản giúp nông dân có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, sự phát triển của chuỗi giá trị nông sản còn một số khó khăn do nông dân chỉ tham gia khâu duy nhất là sản xuất, quy mô nông hộ nhỏ lẻ, tổn thất sau thu hoạch cao. Các chuỗi phát triển chưa đồng đều, quy hoạch vùng còn lỏng lẻo, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm… Khâu bao tiêu sản phẩm của các HTX còn hạn chế do chủ yếu giao dịch mua bán với các thương lái theo thời điểm nhất định.
Chị Nguyễn Thị Hoan - Giám đốc HTX Tài Hoan chia sẻ, hoạt động sản xuất của cơ sở chủ yếu vào thời điểm cuối năm. Việc sơ chế, sản xuất dong riềng với khối lượng lớn tập trung cùng một thời điểm, kéo theo lượng chất thải rắn và nước thải gia tăng, dẫn đến hệ thống xử lý nước thải đôi khi bị quá tải, không xử lý được triệt để... Vì vậy, HTX mong muốn ngành chức năng tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ cho HTX được tiếp cận các chương trình, nguồn vốn ưu đãi để đầu tư đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, góp phần đảm bảo điều kiện vệ sinh, giữ gìn môi trường sống trên địa bàn.
Qua khảo sát của ngành chức năng, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đều có chung nguyện vọng là tiếp tục được hỗ trợ về vốn cho các để mở rộng quy mô phát tiển sản xuất và nâng cấp máy móc thiết bị; hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới; mở thêm các lớp tập huấn nâng cao trình độ nhận thức về sản xuất theo nhu cầu thị trường; tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX tham gia các hội chợ quảng bá, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm...
HTX Nông nghiệp Tân Thành giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị xúc tiến các sản phẩm nông nghiệp tại tỉnh Lai Châu
Ðể các doanh nghiệp, HTX phát triển bền vững, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương, Giám đốc Sở Công Thương Hà Sỹ Thắng cho biết, thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật về kinh tế hợp tác. Ðồng thời, huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình doanh nghiệp, HTX gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; hỗ trợ HTX ứng dụng thương mại điện tử, tham gia chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn giao dịch điện tử… Cùng với đó, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, HTX gặp gỡ, kết nối với các đối tác, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu./.
Kinh tế tư nhân: Động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (09/01/2025)
Năm 2025, trồng mới 3.500 ha rừng (03/01/2025)
Bắc Kạn quan tâm xây dựng chính sách đất đai ở địa phương (03/01/2025)
Thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế năm 2025 (02/01/2025)
Bắc Kạn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8,5% (30/12/2024)