PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

28/09/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phát triển thương mại ở miền núi
Những năm trở lại đây, hoạt động thương mại miền núi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã đạt được những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh không chỉ vào được các hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước mà còn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Khách hàng mua sắm tại điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Kạn, xã Nông Thượng,
thành phố Bắc Kạn

Bắc Kạn là tỉnh miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm qua, tỉnh đã rất quan tâm triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, trong đó có lĩnh vực thương mại. Nhờ đó, Bắc Kạn không chỉ kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông, lâm sản của địa phương, mà thông qua các hội nghị, hội thảo, chương trình đã hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững. Theo chị Nguyễn Thị Hoan - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tài Hoan, với sự quan tâm, định hướng và hướng dẫn của các cấp, ngành đã tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp của địa phương tham gia nhiều hội chợ và các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Đây là dịp để HTX, doanh nghiệp quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, mở rộng kênh phân phối hàng hóa, nhờ đó có thêm nhiều đối tác, khách hàng mới, sản phẩm được biết đến nhiều hơn.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, sản xuất hiệu quả cao, xây dựng và phát triển được các thương hiệu nông sản hàng hóa tại thị trường trong nước và quốc tế. Điển hình như: Miến dong, gạo Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, Gạo Bao thai, tinh bột nghệ, Nano Curcumin nghệ, bí xanh thơm, mơ chế biến..., cùng với nhiều sản phẩm nông sản thế mạnh khác đã được đưa vào các hệ thống bán lẻ lớn.

Vùng trồng chè tại xã Như Cố, huyện Chợ Mới

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bắc Kạn cũng gặp không ít khó khăn. Nhất là vấn đề xây dựng, sửa chữa cải tạo và nâng cấp các hạng mục chợ miền núi, vùng sâu, vùng xa rất cần thiết và quan trọng nhưng thực tế chưa bố trí được kinh phí cho địa phương trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Một số chợ hiện đã xuống cấp nhưng chưa có kinh phí duy tu, bảo trì, nâng cấp, cải tạo.

Đa số các mặt hàng tiềm năng mới chỉ đạt ở mức sản xuất nhỏ lẻ, đơn thuần, thiếu tập trung, chưa đủ lớn để thu hút đầu tư phát triển. Sản phẩm đặc trưng sản xuất nhỏ lẻ, theo mùa vụ, chưa được tổ chức/cá nhân chú trọng đến bao bì, mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu. Khâu chế biến đa phần còn là thô sơ, chưa có giá trị cao. Ngoài ra, nhiều cơ sở sản xuất chưa quan tâm đến phát triển thương hiệu, bao bì, tem nhãn, vệ sinh an toàn thực phẩm nên chưa thu hút tiêu thụ sản phẩm. Các cơ sở, doanh nghiệp còn thiếu tính chủ động, chưa tích cực tham gia các phong trào, các hoạt động kết nối…

Vì vậy, hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại với các tỉnh trong vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập của người dân, thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn đã xác định "Phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của tỉnh; phấn đấu đến năm 2025, tối thiểu 30% các sản phẩm của tỉnh đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng để đưa vào hệ thống phân phối trong, ngoài tỉnh và hướng đến xuất khẩu".

Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khuyến khích hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; hỗ trợ các cơ sở sản xuất quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh hoàn thiện công nghệ, đăng ký bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ, ghi nhãn hàng hóa, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc, xây dựng và phát triển thương hiệu (nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý) cho các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương). Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu hàng hoá, thương hiệu, bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm khi tham gia thị trường xuất khẩu. Mỗi năm hỗ trợ xây dựng bao bì, nhãn mác hàng hóa khoảng 10 sản phẩm…

Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm hàng hóa của miền núi, vùng sâu, vùng xa đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh và Nhân dân trên địa bàn tỉnh thông qua các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền hình, truyền thanh, báo điện tử, báo giấy... Triển khai kịp thời, hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bắc Kạn phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây mới 1 chợ hạng III (chợ Nghiên Loan, huyện Pác Nặm); nâng cấp, cải tạo 2 chợ hạng III (chợ Công Bằng và chợ Bằng Thành, huyện Pác Nặm). Đồng thời triển khai các chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng thương mại như chợ, trung tâm thương mại, siêu thị,… theo hướng hiện đại tại trung tâm các huyện, thành phố, khu vực đông dân cư./.

Thu Cúc