Độ tương phản
Đây là những con số được đưa ra tại Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 24/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của Ban cán sự đảng UBND tỉnh, công tác quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhìn chung đã được các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức nghiêm túc, thực hiện có hiệu quả, tạo bước chuyển biến đối với cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến lâm sản trái phép. Trong 3 năm, chính quyền địa phương, các ngành chức năng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là tổ chức triển khai, thực hiện Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được 3.590 cuộc với 137.592 lượt người tham gia (tăng 616 cuộc so với cùng kỳ).
Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển và bảo vệ rừng, diện tích trồng rừng và khai thác lâm sản vượt chỉ tiêu kế hoạch giao; chất lượng rừng trồng các năm sinh trưởng, phát triển tốt, góp phần hoàn thành các mục tiêu nghị quyết, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người trồng rừng.
Đáng chú ý, các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh; không có vụ việc kéo dài, không xảy ra các điểm nóng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Tính từ tháng 8/2021 đến tháng 7/2024, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 1.457 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó phá rừng trái phép 1.066 vụ, khai thác lâm sản trái pháp luật 75 vụ (giảm 37 vụ so với cùng kỳ); mua bán, vận chuyển, tàng trữ, chế biến lâm sản trái pháp luật 180 vụ (giảm 291 vụ so với cùng kỳ); vi phạm khác 136 vụ (giảm 129 vụ so với cùng kỳ). Cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố 95 vụ án/115 bị can; Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 54 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Bảo vệ nghiêm ngặt các loài cây gỗ quý, hiếm tại Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc
Cùng với đó, công tác bảo tồn thiên nhiên được đặc biệt quan tâm. Các hoạt động tại các khu rừng đặc dụng được thực hiện đa dạng, toàn diện. Năm 2024, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng (Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc huyện Chợ Đồn và Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ huyện Na Rì).
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban cán sự đảng UBND tỉnh cũng đánh giá: Mặc dù cấp ủy, chính quyền các cấp và các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tuy nhiên, số vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp vẫn còn ở mức cao.
Nguyên nhân được chỉ ra là do diện tích đất rừng tự nhiên của tỉnh chiếm 76% tổng diện tích đất có rừng; người dân (chủ rừng) được giao đất rừng tự nhiên nhưng không được hưởng lợi từ rừng tự nhiên, chính sách hỗ trợ công tác bảo vệ rừng còn chậm và thấp nên nhiều người dân mặc dù đã được tuyên truyền các quy định của pháp luật nhưng vẫn vi phạm phá rừng để lấy đất sản xuất, canh tác, trồng rừng,...
Cùng với đó, việc thi hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với hành vi phá rừng do một số đối tượng vi phạm không có điều kiện, khả năng để chấp hành quyết định xử phạt, do mức phạt cao, không có điều kiện để nộp phạt, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả và tính răn đe, giáo dục phòng ngừa chung không cao.
Từ thực tế này, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã đưa ra một số biện pháp, giải pháp cần quan tâm triển khai trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Đó là phải đổi mới, đa dạng hoá, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng trái quy định của pháp luật và phòng cháy chữa cháy rừng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực lâm nghiệp như ứng dụng ảnh viễn thám, sử dụng thiết bị bay không người lái nhằm phát hiện sớm mất rừng, cảnh báo cháy rừng; tăng cường công tác tuần tra rừng, bám nắm địa bàn phát hiện, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Ứng dụng các biện pháp lâm sinh nhằm tăng sản lượng/chất lượng rừng trồng như sử dụng các giống cây chất lượng cao, đẩy mạnh chuyển hóa trồng rừng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng gỗ lớn đáp ứng các tiêu chí quản lý rừng bền vững để thực hiện cấp chứng chỉ FSC/PEFC. Thúc đẩy các hoạt động tăng cường tích lũy các-bon rừng, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tham gia vào thị vào thị trường tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế khi Chính phủ ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách và chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon vào năm 2028.
Phát triển kinh tế lâm nghiệp, nhất là kinh tế dưới tán rừng; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển một số mô hình nông lâm kết hợp có hiệu quả, hoạt động du lịch sinh thái, trải nghiệm nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và phát huy tiềm năng, giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên địa bàn tỉnh.
Tham mưu đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định hướng dẫn thực hiện các chính sách được đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh./.
Đánh giá, xếp loại chất lượng Đảng bộ tỉnh năm 2024 (21/01/2025)
Bắc Kạn hoàn thành việc sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố (20/01/2025)
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phương Thị Thanh thăm, tặng quà người có công, người cao tuổi, hộ nghèo tại Pác Nặm (20/01/2025)
Tổ chức gặp mặt kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025) (19/01/2025)
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tặng quà Tết tại Bắc Kạn (17/01/2025)