PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

01/09/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Quan tâm, tạo điều kiện để phụ nữ được phát triển toàn diện
Đây là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng nêu rõ tại Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư (khóa XII) về đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Biểu dương Chủ tịch Hội LHPN cơ sở giỏi năm 2023

Chỉ thị cũng xác định “xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, tôn vinh nhằm khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, khát vọng của đội ngũ nữ lãnh đạo quản lý, nữ trí thức, nữ cán bộ khoa học, nữ doanh nhân...”.

Quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể về công tác phụ nữ trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, nhất là việc phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được quan tâm, thực hiện thường xuyên hơn tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Một kết quả đáng ghi nhận trong công tác bình đẳng giới đó là số vụ bạo lực gia đình giảm rõ rệt qua các năm (năm 2018: 96 vụ; năm 2019: 86 vụ; năm 2020: 67 vụ; năm 2021: 61 vụ; năm 2022: 44 vụ).

Phụ nữ được tham gia bình đẳng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; phụ nữ ngày càng khẳng định, nâng cao vai trò, vị thế từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng hơn 1.200 doanh nghiệp thì có hơn 200 doanh nghiệp đều do phụ nữ làm chủ; có 2 liên hiệp hợp tác xã đều do nữ là người đại diện pháp luật; trong tổng số 376 hợp tác xã, có hơn 100 hợp tác xã do phụ nữ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và là người đại diện theo pháp luật. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có 58 đề tài, dự án khoa học được triển khai, trong đó có 10/58 đề tài, dự án do nữ làm chủ nhiệm; có 8/10 đề tài, dự án do phụ nữ tỉnh Bắc Kạn làm chủ nhiệm; hơn 50 phụ nữ tham gia là thành viên, thư ký các đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh trở lên; hơn 500 sáng kiến được UBND tỉnh quyết định công nhận và khen thưởng cấp tỉnh, trong đó có 300 sáng kiến do phụ nữ thực hiện (chiếm 60%)...

Chị Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành (TP. Bắc Kạn) là một trong những nữ Giám đốc HTX
tiêu biểu

Đáng chú ý, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, HĐND, lãnh đạo, quản lý các cấp hiện nay đều được nâng lên so với trước. Trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp tỉnh chiếm tỷ lệ 20%; cấp huyện chiếm 19%; cấp xã chiếm 16%. Số lượng nữ tham gia đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026 có 3/6 người, chiếm tỷ lệ 50%. Số lượng nữ tham gia HĐND cấp tỉnh, huyện, xã nhiệm kỳ 2016 - 2021 chiếm tỷ lệ 25%, đến nhiệm kỳ 2021 - 2026 chiếm tỷ lệ 27,6%. Số lượng nữ lãnh đạo cấp phòng chuyên môn tại cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện duy trì ổn định và có sự gia tăng về số lượng, chất lượng qua các năm. Năm 2021 có 136/403 người, chiếm tỷ lệ 33,7%; năm 2023 có 131/379 người, chiếm tỷ lệ 34,6%...

Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao được đặc biệt quan tâm. Nếu năm 2023, cán bộ nữ có trình độ thạc sĩ và tương đương trở lên có 213/436 người, chiếm tỷ lệ 48,8% thì đến năm 2023 có 458/912 người, chiếm tỷ lệ 50,2%. Trong tổng số danh sách cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số tạo nguồn giữ chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 có tổng số 2.920 người, trong đó có tới 1.903 người là cán bộ nữ, chiếm tỷ lệ 65%...

Những con số ấn tượng trên thể hiện rất rõ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện công tác phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.

Trong cơ chế thị trường và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng phát sinh nhiều vấn đề xã hội có liên quan trực tiếp đến phụ nữ; tình trạng bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, mại dâm, đi lao động trái phép sang Trung Quốc, vi phạm pháp luật ... diễn biến phức tạp, nhất là trong điều kiện nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ vùng cao còn hạn chế về trình độ, năng lực. Vì vậy, công tác phụ nữ tiếp tục được xác định là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và vì sự phát triển, tiến bộ của phụ nữ.

Trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đối với công tác cán bộ nữ; tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu tình hình mới; tạo điều kiện cho cán bộ nữ trưởng thành phát huy năng lực, sở trường... 

Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; xây dựng, củng cố tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ thực sự vững mạnh, bền vững để từ đó phát huy mạnh mẽ vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Bích Huệ