PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

14/05/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong công tác giáo dục học sinh, sinh viên
Huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia ngày càng tích cực vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo là một trong những nội dung yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo; trong đó, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Nhằm tăng cường công tác phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên theo Chỉ thị 71/2008/CT-BGDĐT ngày 23/12/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), những năm qua, ngành GD&ĐT Bắc Kạn đã quan tâm triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung phối hợp trên tất cả phương diện về nuôi dưỡng, chăm sóc, quản lý và giáo dục học sinh, sinh viên ở tất cả các cấp học, bậc học.

Các nhà trường, cơ sở giáo dục đã quan tâm triển khai, phổ biến đến phụ huynh học sinh, sinh viên các chương trình, kế hoạch giáo dục năm học; phổ biến về mục tiêu, yêu cầu và nội dung của các phong trào thi đua thông qua các hình thức như mời tham dự khai giảng, bế giảng; duy trì việc tổ chức họp phụ huynh học sinh ít nhất 2 lần/năm. Bên cạnh đó, các nhà trường thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết với gia đình, cha mẹ học sinh thông qua vai trò của giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm lớp; qua hệ thống sổ liên lạc thông thường, sổ liên lạc điện tử, điện thoại, các phương tiện truyền thông; qua mạng internet như gmail, zalo, viber, facebook… 

Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay, 100% các cấp học, lớp học đều được giáo viên chủ nhiệm lớp lập nhóm zalo phụ huynh để kịp thời phổ biến, quán triệt và thông tin tình hình học tập của học sinh cho phụ huynh biết và phối hợp thực hiện. Qua đó, mọi thông tin về học sinh đều được gia đình biết và phối hợp quản lý, giáo dục; những hành vi vi phạm pháp luật của học sinh kịp thời được chấn chỉnh, uốn nắn và đưa ra những giải pháp giáo dục mang tính răn đe, bảo đảm đúng quy định. 100% các lớp học thực hiện nghiêm túc việc ký cam kết với cha mẹ học sinh và triển khai ký cam kết với cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên về việc không vi phạm pháp luật (không mua bán, sử dụng trái phép chất ma tuý, không vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, không vi phạm trật tự an toàn giao thông, bạo lực học đường, gây mất an ninh trật tự trong và ngoài khu vực nhà trường…).

Trong công tác quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, ngành GD&ĐT đã quan tâm phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng và các tổ chức đoàn thể xây dựng, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để học sinh, sinh viên được học tập và rèn luyện. Nhiều chương trình phối hợp đã được ký kết, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, điển hình như trong “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; trong phòng chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm, hút thuốc lá…); bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phòng chống bạo lực học đường; phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; vệ sinh an toàn thực phẩm; sức khỏe sinh sản vị thành niên…


Trường Tiểu học Nông Thượng (thành phố Bắc Kạn) tổ chức cho học sinh tham quan trải nghiệm
tại Hợp tác Nông nghiệp Tân Thành

Những năm gần đây, các nhà trường đã tích cực phối hợp với Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh tổ chức cho học sinh, sinh viên tham gia các chương trình học tập ngoại khóa, các hoạt động trải nghiệm… qua đó giáo dục lý tưởng, bồi dưỡng thêm về kiến thức thực tế, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

Để tạo môi trường giáo dục, học tập, rèn luyện tốt nhất cho học sinh, sinh viên, các nhà trường, cơ sở giáo dục cũng đã đặc biệt quan tâm đến công tác xã hội hóa, huy động sự tài trợ của các tổ chức, nhà hảo tâm cũng như kêu gọi sự chung tay đóng góp từ phía các cha mẹ học sinh trong việc xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung các trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học; xây dựng quỹ khuyến học, quỹ khen thưởng để hỗ trợ, giúp đỡ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập...


Phụ huynh học sinh Trường Mầm non Vi Hương (Bạch Thông) chung tay đóng góp công sức 
cùng với nhà trường hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học

Có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu trong công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội như: Câu lạc bộ "Phụ huynh trẻ", phong trào "Chung tay xây dựng cơ sở vật chất", mô hình "Trao yêu thương" ở bậc học mầm non; phong trào "Kế hoạch nhỏ", "Quỹ khen thưởng học sinh" của phụ huynh, phong trào "Hũ gạo tình thương", chương trình "Áo ấm mùa đông" ở cấp tiểu học; mô hình "Tự quản an ninh trật tự", cam kết thực hiện Luật An toàn giao thông; ở cấp THCS, THPT…

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội mặc dù đã được quan tâm chú trọng và mang lại những kết quả tích cực song hiện nay, công tác quản lý học sinh trong thời gian ở ngoài nhà trường vẫn còn khó khăn, bất cập. Vẫn có tình trạng học sinh trốn học, bỏ học, đi chơi, nói tục, bạo lực học đường, ứng xử thiếu văn hoá,... Vẫn có hiện tượng học sinh vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông (không đội mũ bảo hiểm, vượt tốc độ cho phép, đi dàn hàng ba, hàng bốn; điều khiển xe gắn máy khi chưa có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi theo quy định,...). Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan xuất phát từ phía nhà trường và sự giáo dục, quản lý của cha mẹ, phụ huynh học sinh, Sở GD&ĐT cũng cho rằng hiện nay, mặt trái của môi trường xã hội hiện đại (mạng xã hội, văn hóa độc hại, trò chơi điện tử, lối sống thực dụng…) đã ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến tâm lý, tính cách và hành xử của học sinh, dẫn tới có hành vi sai phạm, bỏ học, chơi điện tử, hành vi bạo lực học đường, vi phạm pháp luật giao thông… 

Vì vậy, Sở GD&ĐT kiến nghị các cấp chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn những tác động tiêu cực trong việc sử dụng internet, trò chơi điện tử, các trang mạng xã hội,... cho học sinh các cấp học; có biện pháp quản lý, giải tỏa các hàng quán, dịch vụ internet, trò chơi điện tử xung quanh trường học có biểu hiện phức tạp về an ninh, trật tự, hoạt động vi phạm pháp luật.

Thời gian tới, Sở GD&ĐT cũng sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với gia đình, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường trong việc quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục; tăng cường kỷ cương, nền nếp trường, lớp học; tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục theo hướng thực chất và bền vững.../.

Bích Huệ