PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

27/09/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tập trung khôi phục sản xuất sau bão, lũ
Vừa qua, bão số 3 và hoàn lưu cơn bão đã gây thiệt hại hàng nghìn ha lúa, ngô, hoa màu trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Nhân dân các địa phương đang ra sức tập trung khôi phục sản xuất.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Thiệt hại nặng nề

Vụ hè thu 2024, anh Nông Văn Khiêm - thành viên Hợp tác xã thanh niên Như Cố (huyện Chợ Mới) trồng và chăm sóc 2.300 cây dưa lưới trong nhà màng với diện tích 1.000 m2.

Anh Khiêm chia sẻ, với tính toán thời vụ thu hoạch vào cuối tháng 9 - thời điểm các vườn dưa khác trên địa bàn tỉnh hãy còn non, vườn dưa được chăm sóc cẩn thận, cây phát triển tốt, vụ hè thu sẽ rất thuận lợi. Thế nhưng chỉ còn 20 ngày đếm ngược cây cho thu hoạch trái ngọt thì ảnh hưởng bởi hoàn lưu cơn bão số 3, mưa to kèm lốc ngày 9 - 10/9 khiến nhà màng tốc mái, cùng nước lũ sông Cầu dâng cao khiến toàn bộ vườn dưa ngập trong nước lũ cùng bùn, rác đến theo dòng lũ. Những tưởng được vụ dưa bội thu thì nay thiệt hại nặng, nếu như mỗi vụ trước vườn dưa cho thu 90 - 100 triệu đồng thì vụ này anh chỉ mong vớt vát được phần nào tiền giống cây, phân bón.


Anh Nông Văn Khiêm chia sẻ về thiệt hại của vườn dưa lưới do bão, lũ

Thôn Lủng Quang, xã Quảng Khê (huyện Ba Bể) có 8 ha lúa đều bị ngập trong nước, chỉ có hơn 1 ha có thể khôi phục được sau nước rút, còn lại mất trắng. Ông Dương Văn Hữu - Trưởng thôn Lủng Quang chia sẻ, thôn có 32 hộ dân, đến thời điểm này có 8 hộ nghèo nhưng nhiều hộ mất trắng hoa màu, tài sản và vật nuôi do lũ nên chắc năm nay hộ nghèo sẽ tăng; nhiều gia đình còn gặp nhiều khó khăn trong việc khắc phục về nhà ở, khôi phục sản xuất.

Bão số 3 là cơn bão có cường độ mạnh nhất đổ bộ trực tiếp vào nước ta trong 30 năm qua. Hoàn lưu sau bão đã gây ra đợt mưa rất lớn, kéo dài nhiều ngày trên diện rộng tại khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Mưa lớn khiến lũ lớn nhất kể từ năm 1990 trên sông Cầu, sông Năng và các sông nhỏ; sạt lở đất tại nhiều địa phương; ngập úng cục bộ tại một số vùng trũng thấp như xã Nam Mẫu, Khang Ninh (Ba Bể), thị trấn Yến Lạc (Na Rì), thị trấn Đồng Tâm và xã Như Cố (Chợ Mới)…

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có trên 2.200 ha sản xuất nông, lâm, thủy sản bị thiệt hại, trong đó có khoảng 1.500 ha diện tích lúa, ngô, hoa màu bị thiệt hại trên 70%; 55 chuồng trại bị hư hỏng; gần 7.600 con vật nuôi bị chết; nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Khôi phục sản xuất

Anh Nông Văn Khiêm - thành viên HTX thanh niên Như Cố thăm nom, lau từng quả dưa
chuẩn bị đến ngày thu hoạch 

Theo anh Nông Văn Khiêm - thành viên Hợp tác xã thanh niên Như Cố, ngay khi nhà màng bị tốc mái, các thành viên Hợp tác xã đã giúp anh khắc phục tạm thời bằng cách sử dụng lại những mảnh ghép chưa bị hỏng. Khi nước rút, anh cùng gia đình mất hơn 10 ngày vừa dọn rác trong vườn, vừa phải cắt tỉa lá dưa do bùn bám vào không thể rửa sạch cùng những quả bị hỏng, kiểm tra dọc các luống dưa để tát nước những chỗ bị đọng, tránh cho cây bị úng; tích cực chăm sóc, kéo dài thời gian thu hoạch so với dự kiến. Những ngày này chuẩn bị thu hoạch, hằng ngày, anh Khiêm đều ra thăm vườn, lau từng quả dưa đang bám đất.

Tại cánh đồng Bản Châng, xã Mỹ Thanh (Bạch Thông), gia đình ông Hoàng Thanh Vui có 1.800 m2 lúa bị đá, cát theo dòng nước lũ tràn vào làm hỏng khi đang vào giai đoạn đón đòng. Ông Vui cho biết, sau cơn lũ, gia đình ông cùng ra đồng dựng lại những khóm lúa đổ; còn những diện tích bị vùi lấp hoàn toàn không thể khôi phục lại, trong thời gian tới, gia đình ông sẽ cải tạo lại bằng cách hót dọn hết lượng đá, cát có trong ruộng, bổ sung thêm đất màu trước khi canh tác các vụ tiếp.

Để khôi phục sản xuất sau bão, ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn người dân áp dụng một số biện pháp xử lý, khắc phục, phục hồi sau mưa bão. Theo đó, đối với lúa mùa chính vụ, tập trung mọi nguồn lực thực hiện bơm thoát, tiêu úng không để ngập kéo dài, gây thiệt hại; lúa mùa sớm, sau khi tháo cạn nước trong ruộng, nông dân tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3 - 4 gốc lúa lại với nhau để cho cây đứng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa vào chắc và chín. Đối với diện tích cây trồng vụ mùa không có khả năng khôi phục, khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, áp dụng linh hoạt các phương thức làm đất, gieo trồng để mở rộng diện tích cây vụ đông ưa ấm nhằm bù đắp lại diện tích, sản lượng cây trồng vụ mùa năm 2024 bị thiếu hụt do mưa bão. 

Đối với chăn nuôi, tổ chức thực hiện nghiêm túc việc tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ngay sau khi đợt mưa, lũ kết thúc để tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường. Rà soát, tổ chức tiêm phòng đợt II/2024 các loại vắc xin cho đàn vật nuôi theo quy định, đặc biệt đối với đàn gia súc, gia cầm tại vùng vừa xảy ra dịch bệnh, có nguy cơ cao và bị lũ lụt…

Những ngày này, mặc dù nước lũ đã rút nhưng người dân vùng bị ảnh hưởng bởi ngập lụt ở các địa phương vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc khắc phục hậu quả, tái thiết sản xuất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động, phối hợp UBND các huyện, thành phố khẩn trương khôi phục sản xuất; đồng thời tham mưu UBND tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ cây, con giống để giúp Nhân dân phục hồi sản xuất trong thời gian sớm nhất./.

Hương Dịu