Độ tương phản
Liên hợp quốc kêu gọi các bên giảm leo thang bạo lực tại Syria
Ngày 12/12, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc về những động thái vi phạm gần đây và ngày càng lan rộng đối với chủ quyền cũng như toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đồng thời kêu gọi các bên giảm leo thang bạo lực trên khắp nước này.
Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng Thỏa thuận rút quân được giữa Israel và Syria năm 1974 vẫn có hiệu lực, đồng thời lên án mọi hành động đi ngược lại văn kiện này.
Ông Guterres kêu gọi các bên tham gia thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ theo văn kiện này, bao gồm chấm dứt mọi sự hiện diện trái phép và kiềm chế mọi hành động làm suy yếu lệnh ngừng bắn cũng như sự ổn định ở Cao nguyên Golan.
Tuyên bố trên được người đứng đầu Liên hợp quốc đưa ra trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới tiếp tục tỏ rõ quan điểm phản đối các hành động quân sự của Israel tại Syria, đồng thời kêu gọi hành động từ phía cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn hành động này.
Ngày 11/12, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Geir Pedersen nhấn mạnh chính phủ chuyển tiếp của Syria cần thúc đẩy một tiến trình chuyển đổi chính trị bao trùm hơn, với sự tham gia của các đảng phái và cộng đồng khác nhau, nhằm tránh làn sóng xung đột mới. Quan chức Liên hợp quốc quan ngại quá trình chuyển đổi sẽ tạo ra những mâu thuẫn mới theo cách có thể dẫn đến xung đột mới và nguy cơ có thể xảy ra một cuộc nội chiến mới ở Syria.
Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố đợt ân xá lớn nhất trong lịch sử
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 12/12 đã công bố đợt giảm án và ân xá trong một ngày lớn nhất trong lịch sử hiện đại của nước này. Cụ thể, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã giảm án cho gần 1.500 người đang bị quản thúc tại gia sau khi chấp hành án tù giam trong đại dịch COVID-19, đồng thời ân xá cho 39 tội phạm phi bạo lực không liên quan đến việc sử dụng vũ lực hoặc gây thương tích cho người khác.
Đây là đợt giảm án và ân xá trong một ngày nhiều nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ. Đợt giảm án được Nhà Trắng công bố ngày 12/12 (theo giờ địa phương) dành cho những người bị quản thúc tại gia ít nhất một năm sau khi ra tù.
Trong thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Nước Mỹ được xây dựng dựa trên niềm tin về tương lai tốt đẹp và cơ hội thứ hai. Là tổng thống, tôi có đặc quyền khoan hồng cho những người đã tỏ ra ăn năn và cải thiện, lấy lại cơ hội cho người Mỹ hòa nhập đời sống hằng ngày và đóng góp cho cộng đồng, cũng như thực hiện những bước làm giảm sự chênh lệch trong bản án dành cho tội phạm phi bạo lực, đặc biệt là những người bị kết tội về ma túy" Ông cũng cam kết sẽ tiếp tục xem xét đơn xin khoan hồng và thực hiện thêm các bước tiếp theo trong thời gian tới.
Động thái này diễn ra chưa đầy 2 tuần sau khi ông chủ thứ 46 của Nhà Trắng ân xá cho con trai Hunter Biden - người bị truy tố với các tội danh liên quan tới súng và thuế. Ngoài ra, ông Biden cũng đang cân nhắc ân xá cho những người tiến hành điều tra Tổng thống đắc cử Donald Trump trong âm mưu đảo ngược kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Trước đây, Tổng thống Biden từng giảm án cho 122 người và ân xá cho 21 người. Đợt khoan hồng trong một ngày nhiều thứ hai được áp dụng với tổng cộng 330 phạm nhân là do cựu Tổng thống Barack Obama thực hiện không lâu trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2017.
Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội, đình chỉ chức vụ
Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol do phe đối lập đưa ra, khiến ông bị đình chỉ chức vụ.
Đề xuất luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol vì "hành vi nổi loạn phá hoại trật tự hiến pháp" được quốc hội Hàn Quốc thông qua lúc 17h01 ngày 14/12 (15h01 giờ Hà Nội), trong đó 204 nghị sĩ ủng hộ luận tội, 85 người phản đối, 3 nghị sĩ bỏ phiếu trắng và 8 phiếu không hợp lệ.
Điều này đồng nghĩa Tổng thống Yoon sẽ bị đình chỉ chức vụ trong thời gian Tòa án Hiến pháp ra phán quyết và Thủ tướng Han Duck-soo sẽ đảm nhiệm vai trò tổng thống lâm thời. Tòa có 180 ngày để ra phán quyết về tương lai của ông Yoon.
Sự nghiệp chính trị của Tổng thống Yoon Suk-yeol trở nên bấp bênh sau khi ông bất ngờ ban bố lệnh thiết quân luật đêm 3/12 với lý do ngăn chặn các hành động chống phá nhà nước của phe đối lập. Ngày 10/12, với tỷ lệ phiếu thuận áp đảo, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi bắt giữ khẩn cấp đối với Tổng thống Yoon Suk-yeol và một số quan chức cấp cao, đồng thời thông qua dự luật bổ nhiệm công tố viên đặc biệt điều tra cáo buộc chống lại Tổng thống.
Theo luật pháp Hàn Quốc, tổng thống hầu như được miễn trừ khỏi việc bị truy tố khi đang tại nhiệm, song việc miễn trừ này lại không áp dụng đối với các cáo buộc nổi loạn hoặc phản quốc.
Đây là lần thứ ba Hàn Quốc có tổng thống đương nhiệm bị luận tội kể từ năm 1987, sau ông Roh Moo-hyun năm 2004 và bà Park Geun-hye năm 2016.
Ngân hàng Trung ương châu Âu hạ lãi suất xuống 3%
Kết thúc cuộc họp vào ngày 12/12, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất lần thứ tư trong năm nay và để ngỏ khả năng nới lỏng hơn nữa vào năm 2025, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chịu tác động trước những bất ổn chính trị tại châu Âu và nguy cơ nổ ra cuộc chiến thương mại mới với Mỹ.
ECB đã nhanh chóng nới lỏng chính sách trong năm nay khi gần như không còn những lo ngại về lạm phát. Sự chú ý đã chuyển sang việc liệu ECB có cắt giảm lãi suất đủ nhanh để hỗ trợ nền kinh tế trì trệ đang tụt hậu so với các nền kinh tế khác trên toàn cầu hay không.
Nhận định lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu 2% vào đầu năm 2025 và tăng trưởng kinh tế vẫn chậm, ECB đã hạ lãi suất tiền gửi từ 3,25% xuống 3%, đúng như dự báo và điều chỉnh định hướng chính sách, điều có thể được coi là tín hiệu về việc sẽ tiếp tục hạ lãi suất.
ECB đánh giá hầu hết các số liệu đều cho thấy lạm phát sẽ ổn định quanh mức mục tiêu, đồng thời không đề cập đến cam kết trước đó về việc duy trì chính sách “đủ hạn chế”. Điều này báo hiệu ECB sẽ quay trở lại ít nhất là môi trường chính sách trung lập, không kích thích cũng không làm chậm tăng trưởng.
OPEC giảm dự báo nhu cầu dầu toàn cầu
Ngày 11/12, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay và năm sau, đánh dấu đợt điều chỉnh giảm của tổ chức này trong tháng thứ 5 liên tiếp.
Trong báo cáo thị trường dầu hàng tháng vào tháng 12, OPEC dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng trưởng 1,61 triệu thùng/ngày trong năm 2024, giảm khoảng 210.000 thùng/ngày so với mức tăng 1,82 triệu thùng/ngày dự kiến vào tháng trước.
Trong khi đó, OPEC ước tính tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2025 là 1,45 triệu thùng/ngày, giảm 90.000 thùng/ngày so với đánh giá của tháng trước là 1,54 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, tổ chức này khẳng định rằng dự đoán đã điều chỉnh vẫn đánh dấu "mức tăng trưởng lành mạnh so với mức trung bình trước đại dịch COVID-19".
OPEC đã hạ dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024 và 2025 trong các báo cáo thị trường hàng tháng trong 4 tháng liên tiếp kể từ tháng 8. OPEC đã duy trì dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu là 2,25 triệu thùng/ngày trong năm nay và 1,85 triệu thùng/ngày vào năm tới tính đến tháng 8.
Giá dầu nhìn chung có xu hướng giảm trong những tuần gần đây do lo ngại về nhu cầu toàn cầu chậm lại và nguồn cung tăng từ các nhà sản xuất bên ngoài OPEC và các nước đối tác (OPEC+). Giá dầu Brent đã giao dịch ở mức trên 70 USD/thùng trong những tuần qua, giảm so với mức hơn 80 USD/thùng vào tháng 7./.
Trung Quốc bắt đầu kỳ Xuân vận 2025: 9 tỷ lượt người di chuyển (14/01/2025)
Samsung dẫn đầu doanh số smartphone toàn cầu năm 2024 (14/01/2025)
Thế giới năm 2024: Những điểm sáng giữa muôn vàn sóng gió (03/01/2025)
Thế giới tuần qua: Thúc đẩy hòa bình và vượt qua sự chia rẽ (01/01/2025)
Biến 2025 thành một "khởi đầu mới" cho tương lai tốt đẹp hơn (01/01/2025)