Độ tương phản
Trong số 37 thực thể Trung Quốc vừa bổ sung có 11 thực thể bị cáo buộc có liên quan đến vụ khinh khí cầu bị nghi ngờ là do thám bay qua không phận của Mỹ vào năm ngoái và từng khiến quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington thêm căng thẳng.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, trong số 37 thực thể bị danh sách hạn chế thương mại, có tới 22 thực thể được cho là có liên quan tới các nỗ lực nhằm cải thiện công nghệ lượng tử và mua hoặc tìm cách mua các mặt hàng có nguồn gốc từ Mỹ để tăng cường năng lực lượng tử của Trung Quốc. Danh sách trừng phạt gồm cả những công ty được cho là đóng vai trò thúc đẩy những tiến bộ trong chương trình hạt nhân của Trung Quốc hoặc có liên quan đến việc xuất khẩu các mặt hàng bị kiểm soát sang Nga sau thời điểm Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Các thực thể trong danh sách nói trên không được tiếp cận các danh mục hàng hóa và công nghệ của Mỹ nếu không có sự cho phép của Chính phủ Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ sử dụng danh sách hạn chế thương mại, được gọi là "Danh sách thực thể", nhằm ngăn chặn dòng chảy công nghệ từ Mỹ sang Trung Quốc, với lý do lo ngại các công nghệ này có thể được sử dụng để tăng cường năng lực quân sự của Bắc Kinh.
Thứ trưởng Bộ Thương mại phụ trách công nghiệp và an ninh của Mỹ Alan Estevez cho biết trong một tuyên bố: “Hành động hôm nay là một bước quyết định khác trong việc giải quyết các thách thức từ Trung Quốc và quá trình hiện đại hóa quân sự của nước này”. Ông Estevez cho rằng Mỹ phải luôn cảnh giác trong việc ngăn chặn những thực thể như vậy tiếp cận các công nghệ của nước này, có thể được sử dụng để làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ.
Động thái mới nhất cho thấy Washington vẫn tiếp tục theo đuổi các biện pháp gây sức ép lên Bắc Kinh vì vụ khinh khí cầu bay qua không phận Mỹ vào tháng 2 năm ngoái. Sự việc đã trở thành một “điểm nóng” mới trong quan hệ Mỹ - Trung, dẫn đến việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đột ngột hoãn chuyến thăm Bắc Kinh ngay sau đó.
Nhiều tháng sau vụ việc, căng thẳng giữa hai nước dần giảm bớt khi các quan chức cấp cao mở lại đường dây liên lạc. Tháng 11/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp gỡ trực tiếp và đồng ý giải quyết những khác biệt giữa hai cường quốc. Tuy nhiên, việc tồn tại nhiều bất đồng âm ỉ kéo dài được dự báo sẽ tiếp tục tác động đến triển vọng hàn gắn quan hệ Mỹ - Trung.
Trong một phản ứng tức thời, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington coi đây là "hành vi chèn ép kinh tế và bắt nạt trắng trợn trong lĩnh vực công nghệ". Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các công ty và tổ chức nước này./.
Bầu cử Mỹ 2024: Các ứng cử viên tiếp tục vận động tranh cử trong tuần nước rút (29/10/2024)
Nhật Bản: Chủ tịch LDP cam kết cải tổ mạnh mẽ đảng cầm quyền (29/10/2024)
Thế giới tuần qua: Động lực cho xu thế đa phương (27/10/2024)
Xung quanh việc Israel tấn công trả đũa Iran (26/10/2024)
Thúc đẩy nỗ lực đạt được hòa bình tại các điểm nóng xung đột (25/10/2024)