Độ tương phản
Những thửa ruộng bậc thang gối nhau tạo cảnh quan đẹp là điều kiện để Phiêng Phàng phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch
Ba Bể được biết đến là vùng đất trọng điểm du lịch của tỉnh, ngoài hồ Ba Bể, huyện còn được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, đất đai, tạo nên những vùng kinh tế nông nghiệp để phát triển gắn với du lịch. Vùng trồng lúa Nếp Tài của đồng bào dân tộc Dao Quế Lâm ở thôn Phiêng Phàng và Nà Pài, xã Yến Dương những năm gần đây đã được du khách tìm đến vừa để chiêm ngưỡng cảnh quan, vừa thưởng thức các sản phẩm từ lúa nếp. Cánh đồng ruộng bậc thang khi xanh mướt, khi vàng ruộm, thơm mùi lúa mới đã níu chân du khách đến với địa phương. Đặc biệt, sản phẩm gạo Nếp Tài của Hợp tác xã Yến Dương đã được công nhận Nhãn hiệu tập thể và xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh, xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chứng nhận hữu cơ PGS, thương hiệu dần được xây dựng đưa sản phẩm gạo Nếp Tài ngày càng vươn xa.
Nhận thấy nét độc đáo của sản phẩm chính là tiềm năng, lợi thế, Hợp tác xã Yến Dương đã tập hợp các hộ dân thành nhóm sản xuất lúa Nếp Tài tham gia để mở rộng diện tích, liên kết bao tiêu sản phẩm, tạo thu nhập cho người dân. Quá trình thực hiện, các hộ dân luôn tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ; thực hiện ủ phân vi sinh bón cho lúa, ghi chép nhật ký sản xuất để theo dõi, tạo môi trường cảnh quan sạch đẹp và tạo nên sản phẩm an toàn với người tiêu dùng.
Vào mùa thu hoạch lúa, du khách đến đây còn được trải nghiệm làm các món ăn từ gạo nếp như: Đồ xôi nếp cẩm, giã bánh dày, gói bánh chưng và các món bánh của đồng bào Dao Ba Bể.
Cùng với cây lúa, khu vực thôn Nà Pài còn phát triển cây lê. Cây trồng này còn được trồng tại một số huyện trên địa bàn tỉnh. Tại thôn Nà Pài, xã Yến Dương, cây lê đã được người dân đưa vào trồng từ lâu, tuy nhiên, do không có kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch nên cây bị thoái hóa. Từ năm 2017, Trung tâm Nghiên cứu cây trồng ôn đới miền núi phía Bắc Việt Nam - Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã triển khai xây dựng mô hình trồng cây lê VH6 tại huyện Ba Bể. Mô hình được thực hiện với diện tích 5 ha, trong đó tại xã Địa Linh 1ha; xã Yến Dương 3 ha; xã Khang Ninh 1 ha. Từ khi triển khai mô hình, cây lê tại địa phương cho chất lượng quả tốt hơn, mẫu mã sản phẩm đẹp hơn và được nhân rộng trên địa bàn.
Cây lê tại xã Yến Dương đang vào mùa thu hoạch
Cách Yến Dương không xa, tại xã Quảng Khê, huyện Ba Bể - nơi giáp với vùng hồ Ba Bể, có những cây trồng đặc sản như hồng, mận, giảo cổ lam… Những cây trồng này ban đầu được bà con phát triển phục vụ người dân địa phương; mấy năm trở lại đây, người dân mở rộng diện tích vừa để phát triển kinh tế, vừa tiến tới xây dựng mô hình du lịch sinh thái. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế và du lịch vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún.
Những tiềm năng lợi thế trên nếu được khai thác sẽ tạo đà phát triển du lịch, nâng cao đời sống cho người dân. Vì vậy, Bắc Kạn đã triển khai đề tài khoa học công nghệ: Xây dựng mô hình thí điểm phát triển kinh tế nông nghiệp sáng tạo gắn với du lịch nhằm thu hút du khách; thời gian thực hiện từ tháng 6/2024 đến tháng 5/2027.
Đề tài xây dựng mô hình thí điểm phát triển kinh tế nông nghiệp sáng tạo gắn với du lịch tại huyện Ba Bể, trong đó, thí điểm phát triển kinh tế nông nghiệp sáng tạo gắn với du lịch tại thôn Phiêng Phàng, Nà Pài, xã Yến Dương. Phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp sáng tạo Nếp Tài hữu cơ kết hợp nuôi cá chép ruộng và trồng bí đỏ gắn với du lịch tại cánh đồng Phiêng Phàng. Hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp sáng tạo - Mô hình Lê Nà Pài gắn với du lịch tại thôn Nà Pài, phát triển sản phẩm gắn với yếu tố văn hóa địa phương; hỗ trợ phát triển các điểm dừng chân nhằm thu hút khách.
Mô hình thứ 2 là thí điểm phát triển kinh tế nông nghiệp sáng tạo gắn với du lịch tại thôn Nà Chom, xã Quảng Khê gồm vườn cây ăn quả kết hợp với cây dược liệu (hồng, mận, giảo cổ lam). Đề tài hỗ trợ xây dựng, phát triển cảnh quan và bảo vệ môi trường phục vụ tham quan, trải nghiệm vườn cây ăn quả (hồng, mận); xây dựng, phát triển cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch; phát triển sản phẩm có giá trị từ quả hồng và cây dược liệu trồng xen dưới tán vườn hồng, mận nhằm tăng giá trị kinh tế và thu hút du khách…
Ngoài ra, Đề tài còn thực hiện nội dung đào tạo, tập huấn cho người dân và cán bộ địa phương về thực hiện mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp sáng tạo gắn với du lịch; tuyên truyền, quảng bá mô hình thí điểm phát triển kinh tế nông nghiệp sáng tạo gắn với du lịch trải nghiệm tại huyện Ba Bể.
Chị Ma Thị Ninh - Giám đốc Hợp tác xã Yến Dương cho biết, Hợp tác xã là một trong những tổ chức được lựa chọn triển khai Đề tài, đây là niềm vinh dự của mỗi thành viên chúng tôi. Hợp tác xã sẽ phối hợp để triển khai các nội dung một cách tốt nhất. Đề tài thành công sẽ giúp cho đồng bào Dao nơi đây phát triển du lịch, đưa hình ảnh địa phương và sản phẩm của Hợp tác xã vươn xa, từ đó góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con./.
Du lịch Ba Bể khôi phục cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ sau cơn bão số 3 (15/10/2024)
Khách du lịch đến Bắc Kạn tăng trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 (04/09/2024)
“Miền di sản yêu thương” khép lại Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” năm 2024 (28/08/2024)
Thí sinh Bắc Kạn tham gia thi Hướng dẫn viên du lịch tại điểm 6 tỉnh Việt Bắc (25/08/2024)
Qua miền di sản Việt Bắc - tinh hoa và bản sắc (21/08/2024)