PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

02/05/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới
Trong thời kỳ mới, phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp tích cực cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mục tiêu phát triển đất nước.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Khuyến khích doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội,
 tham gia tích cực các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 221-KH/TU ngày 4/1/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. 

Trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2030, phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp của tỉnh có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu phát triển của tỉnh, mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phấn đấu có nhiều doanh nghiệp tham gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị quốc gia và xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn. 

Tầm nhìn đến năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp của tỉnh có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín; một bộ phận doanh nghiệp tham gia vào một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. 

Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh 

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh để cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rõ trách nhiệm trong việc tham mưu trong xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nhân, doanh nghiệp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ liên quan tới giải quyết công việc với doanh nghiệp. 

Kịp thời phổ biến các chủ trương, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đến cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp. Chú trọng tôn vinh, biểu dương kịp thời các tấm gương doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu. 

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến 

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung đẩy mạnh thực hiện, tạo bước chuyển biến đi vào thực chất, hiệu quả và bền vững về cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC không cần thiết, gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp. Rút ngắn thời gian giải quyết TTHC liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, bảo hiểm, lao động, phòng cháy chữa cháy, cấp giấy phép đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện. 

Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, giữa các cấp chính quyền nhà nước trong xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nhân, doanh nghiệp. Đề cao và gắn trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo giải quyết các nội dung liên quan đến giải quyết TTHC đối với doanh nghiệp. 

Thực hiện có hiệu quả các giải pháp để cải thiện, nâng cao kết quả các Chỉ số PCI, Chỉ số DDCI. 

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch trong quan hệ giữa các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức với doanh nhân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, cản trở, tham nhũng, tiêu cực đối với doanh nhân, doanh nghiệp. 

Phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp lớn mạnh, đáp ứng thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh trong thời kỳ mới 

Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các Hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác phát triển hội viên, thành viên, phát huy vai trò là tiếng nói của doanh nghiệp và cầu nối giữa các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước để phản ánh những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị và nắm bắt những ý tưởng, sáng kiến từ doanh nghiệp để đề xuất các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho tỉnh. 

Các sở, ban, ngành, địa phương trong phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp cho đội ngũ doanh nhân, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các vấn đề mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp, quản trị kinh doanh hiện đại, kiến thức pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn, xu hướng kinh doanh mới; tăng cường hoạt động hỗ trợ pháp lý, nâng cao năng lực điều hành, quản trị cho doanh nhân, doanh nghiệp. 

Xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh trong đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp 

Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đẩy mạnh vận động đội ngũ doanh nhân thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh; đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; nâng cao vai trò của doanh nhân trong hội nhập quốc tế; quảng bá hình ảnh tỉnh Bắc Kạn, con người, văn hoá Bắc Kạn. Khuyến khích doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, tham gia tích cực các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội.

Tăng cường hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức 

Các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tăng cường hỗ trợ thúc đẩy hợp tác, liên kết, phối hợp hoạt động trong đội ngũ doanh nhân; giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức thông qua các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, trách nhiệm xã hội. 

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, đặc biệt đối với các Chương trình MTQG, quan tâm quy hoạch khu chức năng, vùng sản xuất tạo liên kết doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp với vùng nguyên liệu và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, đặc biệt là tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. 

Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tham gia các hoạt động trong nông nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hoá. 

Phát huy vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các tổ chức đại diện cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp 

Tiếp tục củng cố, kiện toàn, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để làm tốt hơn nữa vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp, doanh nhân với các cơ quan quản lý nhà nước; thường xuyên bám sát nhiệm vụ, kịp thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, doanh nhân đề nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh gặp mặt, đối thoại hoặc đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ, giải quyết kịp thời.

Tổ chức cho doanh nghiệp, doanh nhân tham gia góp ý vào việc xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh và các địa phương, nhất là các chính sách liên quan đến doanh nghiệp; khuyến khích thành lập các câu lạc bộ doanh nhân, nhất là các câu lạc bộ doanh nhân hoạt động trong cùng lĩnh vực để tạo thuận lợi cho việc phổ biến kiến thức pháp luật, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác và hỗ trợ nhau phát triển sản xuất kinh doanh; phát động các phong trào thi đua, phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thực hiện các đề tài, chuyên đề khoa học trong doanh nghiệp. 

Tăng cường quản lý nhà nước đối với doanh nhân, doanh nghiệp 

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác phối hợp trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp theo các quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội,… kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội, nâng cao hiệu quả phối hợp giám sát giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp với HĐND cùng cấp trong giám sát các lĩnh vực bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp; quản lý tài nguyên đất đai, cải cách TTHC,...Tham gia hoạt động phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản liên quan đến chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp. 

Các cấp công đoàn đẩy mạnh công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động trong các doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển đoàn viên, tuyên truyền, vận động thành lập các tổ chức công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp. 

Chú trọng tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức xã hội - nghề nghiệp thành lập, hoạt động góp phần tạo sự liên kết, hỗ trợ thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp theo ngành hàng, lĩnh vực.../.

BH