PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

30/11/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chị Triệu Thị Sỉnh gìn giữ nghề thêu truyền thống

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


 

Người phụ nữ dân tộc Dao hết lòng gìn giữ truyền thống

Theo thời gian, cùng hoàn cảnh sống thay đổi khiến một số nét văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số dần bị mai một. Đối với người Dao đỏ, thổ cẩm không chỉ dùng để phục vụ cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày mà còn mang một ý nghĩa thiêng liêng, là kỷ vật tình yêu hay của hồi môn trong ngày cưới. Đây không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống mà qua đó còn cho thấy sự khéo léo, tinh tế và đầy kiên trì của người phụ nữ Dao. Bởi để làm ra một sản phẩm thổ cẩm hoàn chỉnh, có thể mất một tuần, một tháng, thậm chí có những trang phục thổ cẩm phải mất cả năm trời.

Sinh ra và lớn lên ở bản Dao, ngay từ khi còn nhỏ, chị Triệu Thị Sỉnh đã được mẹ truyền dạy nghề thêu. Nhờ thế, những chi tiết, ý nghĩa từng hoa văn, biểu tượng, từng công đoạn đã trở nên quen thuộc, gắn bó với tuổi thơ của chị. Tuy nhiên, cùng sự phát triển của xã hội, chị Sỉnh dần nhận thấy nghề thêu thổ cẩm của dân tộc đang dần bị mai một vì hiện rất ít người theo nghề, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Năm 2018, sản phẩm “Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục người Dao đỏ” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đây là niềm vinh dự, tự hào của đồng bào dân tộc Dao Bản Cuôn. Với những kinh nghiệm, vốn hiểu biết về thêu hoa văn trên trang phục người Dao đỏ, năm 2020, chị Sỉnh đã mạnh đạn đứng ra thành lập Tổ hợp tác phát triển các sản phẩm nông lâm nghiệp Bản Cuôn vận động, tập hợp chị em phụ nữ dân tộc Dao cùng duy trì, phát triển nghề thêu thổ cẩm truyền thống, ban đầu từ 7 thành viên đến nay đã có 19 chị tham gia. Những sản phẩm được nhóm chị Sỉnh thêu chủ yếu như ví, túi, khăn, mũ, áo, vỏ gối trên vải tràm, thổ cẩm và một số sản phẩm từ đan lát… Để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đa dạng và giữ được bản sắc của dân tộc, các chị em trong Tổ hợp tác thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, cứ thế, từng đường kim, mũi chỉ, nét hoa văn, họa tiết trên thổ cẩm người Dao đỏ được chị Sỉnh cùng các thành viên trong Tổ hợp tác gìn giữ, những sắc màu thổ cẩm dần được hồi sinh, tay nghề thêu, đan của các chị đã được cải thiện rõ rệt, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm đáp ứng thị trường tiêu thụ, bước đầu, các thành viên đã có thêm khoản thu nhập cho gia đình.

Trăn trở tìm hướng đi mới

Xuất phát từ tình yêu nghề, tự hào bản sắc văn hóa dân tộc, chị Sỉnh vẫn luôn trăn trở tìm hướng đi mới để giữ nghề, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc trong sự phát triển chung của xã hội. Theo chị Sỉnh, điểm nhấn trên bộ trang phục thổ cẩm người Dao chính là họa tiết hoa văn, do vậy, ngoài việc tự thiết kế, khi gặp một họa tiết đẹp, chị thường chụp lại, gửi cho các chị em trong nhóm tham khảo. Trong quá trình thêu, chị sẽ trực tiếp góp ý, chỉnh sửa, vừa để phù hợp, vừa để đẹp mắt. Nhờ thế, các sản phẩm mà chị Sỉnh và hội chị em làm ra như có sức sống, từ các chi tiết cây cỏ, động vật, chim muông đến mô phỏng các hoạt động của con người, làm nên sự sống động cho từng chi tiết trên trang phục.

Cũng chính nhờ sự chau chuốt trong công việc cùng sự thay đổi, thích ứng với nhu cầu người tiêu dùng, những bộ trang phục thổ cẩm dân tộc mà chị cùng các chị em trong Tổ làm ra được đông đảo người dân đón nhận. Đó chính là động lực để chị tiếp tục sáng tạo và gắn bó với nghề.

Chị Triệu Thị Cách, thành viên của Tổ hợp tác chia sẻ, bản thân là người dân tộc Dao, chị thấy nghề thêu là rất quan trọng trong giữ gìn bản sắc của dân tộc mình nên chị sẽ cố gắng cùng các thành viên trong Tổ duy trì và truyền dạy cho các thế hệ trẻ biết để nghề thêu không bị mai một…

Sản phẩm thêu của Tổ hợp tác phát triển các sản phẩm nông lâm nghiệp Bản Cuôn, xã Ngọc Phái đã được nhiều du khách trong và ngoài địa phương biết đến. Đặc biệt, năm 2022, “Bộ sản phẩm thêu hoa văn trên gối, túi, khăn, mũ” của Tổ hợp tác đã đạt giải Nhì tại Hội thi thiết kế sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch của huyện; tác phẩm “Khăn dài ATK Chợ Đồn” đạt giải Nhì Cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn. Với những đóng góp trong gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc Dao, năm 2022, chị Sỉnh đã được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tặng Bằng khen về danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu” …

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng Tổ hợp tác phát triển các sản phẩm nông lâm nghiệp Bản Cuôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chị Sỉnh cũng như các thành viên mong muốn các cấp, ngành, địa phương tạo điều kiện hỗ trợ mua máy may và tìm thị trường tiêu thụ ổn định, có như vậy sẽ giúp các thành viên thêm yêu nghề và tự nguyện tham gia vào việc bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc Dao nơi đây.


Tác phẩm “Khăn dài ATK Chợ Đồn” đạt giải Nhì Cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch của
Sở VHTT&DL năm 2022

Giữ gìn, phát triển nghề truyền thống là cách bảo lưu nét văn hóa, bản sắc của mỗi địa phương. Đáng mừng là trong sự giao thoa, hội nhập văn hóa mạnh mẽ hiện nay vẫn có những người giống như chị Sỉnh, luôn tâm huyết, cần mẫn và sáng tạo không ngừng trong giữ gìn, bảo tồn nghề truyền thống để bản sắc văn hóa dân tộc Dao đỏ được nối tiếp trao truyền và trường tồn với thời gian./.

Thu Trang