PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

25/12/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chuyển đổi số - con người là trung tâm
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, công nghệ số không phải vấn đề quan trọng nhất mà sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân mới là yếu tố đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Thay vì đi từng nhà thông báo họp tổ dân phố như trước kia, chị Hoàng Thị Thắm, Tổ trưởng tổ 6, phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn) nhắn tin trên nhóm Zalo của tổ để mời đại diện các hộ dân đến Nhà văn hóa. “Rất nhiều thông tin chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên tôi đều đăng tải lên nhóm Zalo chung. Thuận lợi là các hộ dân trong tổ đều có điện thoại thông minh và dùng mạng xã hội nên việc thông tin, truyên truyền dễ dàng hơn”, chị Hoàng Thị Thắm cho hay.

Tổ Công nghệ số cộng đồng phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn) ra quân phổ cập kỹ năng số cho người dân

Cuối tháng 10/2023, phường Sông Cầu khai trương “Tuyến phố văn minh, không dùng tiền mặt” tại đường Thanh Niên và đường Đội Kỳ. Tại các tuyến phố này, người bán và người mua đều thực hiện giao dịch chuyển khoản tạo sự văn minh, an toàn, tiện lợi trong thương mại. Đầu tháng 10 năm nay, phường tổ chức Hội thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu về chuyển đổi số. Một cách làm mới, hấp dẫn với sự tham gia của 90 thí sinh cùng sự cổ vũ đông đảo người dân tại khu phố đi bộ. Nhiều kiến thức về chuyển đổi số được truyền tải đến các thí sinh và người dân góp phần nâng cao hiểu biết, kỹ năng cho cán bộ, Nhân dân trên địa bàn. Cùng với nhiều hoạt động cụ thể khác của phường Sông Cầu cho thấy, việc thực hiện chuyển đổi số của địa phương không chỉ là khẩu hiệu, hô hào mà là làm thật, hiệu quả thật.

Phó Chủ tịch UBND phường Sông Cầu Hoàng Thị Thanh Huyền khẳng định, phường Sông Cầu thực hiện chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Quá trình thực hiện, công nghệ thông tin đóng vai trò nền tảng và hỗ trợ địa phương thực hiện nhưng con người vẫn là nhân tố quyết định. Người dân là đối tượng thụ hưởng nên phường tập trung tuyên truyền và hỗ trợ bà con thực hiện chuyển đổi số. Cán bộ, đảng viên, công chức, Tổ Công nghệ số cộng đồng là chủ thể tổ chức thực hiện với trách nhiệm, phần việc cụ thể được phân công.

Thực hiện chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cấp đơn vị hành chính trong tỉnh đã ban hành nhiều quyết định thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng, trên đia bàn tỉnh hiện có 1.247 Tổ Công nghệ số cộng đồng với 6.207 thành viên và đang tiếp tục được kiện toàn. Thời gian qua, các Tổ Công nghệ số cộng đồng đã phát huy tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân thông qua nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng số cơ bản cho người dân.

Mạng lưới Tổ Công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh ở các cấp cũng đã phát huy tốt vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân thông qua nhiều hình thức và nội dung như tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân đăng ký, tích hợp và kích hoạt sử dụng tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID; tuyên truyền, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tuyên truyền cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, các biện pháp bảo vệ tài khoản trực tuyến, thanh toán giao dịch qua quét mã QR... Với những hoạt động tích cực, rộng khắp của Tổ Công nghệ số cộng đồng, nhận thức và kỹ năng số cơ bản của người dân đã dần được cải thiện.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lô Quang Tuyến cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ có những tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Để thực hiện thành công cuộc cách mạng này, khoa học công nghệ là nền tảng, là điều kiện bắt buộc nhưng sự thay đổi chính sách, vai trò của con người mới quyết định đến sự thành công của mỗi đơn vị, địa phương. Với nền tảng đang có, cùng các quyết sách tỉnh đã ban hành là hành trang để Bắc Kạn bước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0./.

Thu Trang