PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

03/10/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đề xuất ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhưng phát triển khoa học và công nghệ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh,

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Lễ trao giải Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Kạn năm 2021

Khoa học và công nghệ có đóng góp tích cực cho sản xuất và đời sống, thể hiện thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đạt tỷ lệ 45,5%, tương đương với mức bình quân chung của cả nước (45,7%). Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới khoa học và công nghệ được phát huy tương đối rộng rãi trên tất cả các lĩnh vực; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được lan toả trong xã hội; bước đầu thu hút nguồn lực từ một số tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước đầu tư cho lĩnh vực khoa học và công nghệ; một số sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế, bảo hộ về nhãn hiệu hàng hoá...

Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, chú trọng nâng cao hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh. Các nhiệm vụ được triển khai bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết kịp thời các vấn đề cấp thiết trên các lĩnh vực. Nhiều kết quả nghiên cứu ứng dụng đã tạo động lực và là cơ sở cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển.

Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, các đề tài, dự án thực hiện chủ yếu theo hướng ứng dụng, tập trung bảo tồn gen, phát triển vùng trồng gắn với chế biến, tạo sản phẩm hàng hóa gắn với du lịch. Thông qua đề tài, dự án, một số giống cây trồng, vật nuôi bản địa, lâu năm được phục tráng, tuyển chọn nhằm lưu giữ, bảo tồn gen, tạo giống chất lượng như lúa Bao thai, lúa nếp Khẩu Nua Lếch, bí xanh thơm, lúa nếp Tài, lúa nếp Khẩu Nua Pái, vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn, mơ vàng, cây đào toáng, cây trám đen…. Một số diện tích cây trồng lâu năm bị già cỗi được áp dụng giải pháp khoa học kỹ thuật để cải cạo, phòng trừ sâu bệnh hại như chè shan tuyết, mận, hồng không hạt, cam, quýt. Cùng với đó là ứng dụng khoa học công nghệ phát triển một số cây trồng mới;  áp dụng công nghệ chế biến để đa dạng hóa sản phẩm… Các sản phẩm tạo ra được quan tâm về bao bì, nhãn mác, đăng ký mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ sở hữu trí tuệ, đạt sản phẩm OCOP của tỉnh giúp tăng gia trị, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường.

Về lâm nghiệp, tập trung ứng dụng khoa học và công nghệ trong trồng rừng gỗ lớn, hỗn loài, đa mục đích nhằm tăng năng suất, giá trị sản phẩm lâm nghiệp; cải tạo và mở rộng được diện tích dẻ ván tại Ngân Sơn; nghiên cứu phòng trừ sâu bệnh hại trên cây keo, quế, hồi và nghiên cứu, định hướng phát triển cây quế… 

Lĩnh vực khoa học công nghệ và kỹ thuật tập trung các nhiệm vụ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý môi trường, phòng chống thiên tai, xây dựng hệ thống thông tin ngành nông nghiệp, hệ thống thông tin hợp tác xã trên địa bàn tỉnh… tạo lập dữ liệu mở giúp dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch phục vụ công tác quản lý nhà nước và nhu cầu tra cứu, tìm hiểu của Nhân dân.

Lĩnh vực khoa học y dược góp phần tích cực cho sự phát triển ngày càng tiến bộ của ngành Y tế. Thông qua thực hiện dự án về Sổ sức khỏe điện tử nay đã được nhân rộng, sử dụng trên toàn tỉnh; xây dựng được mô hình quản lý người bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình; thông qua nghiên cứu, các giải pháp can thiệp, quản lý người nhiễm vi rút viêm gan B ở lứa tuổi thanh niên đang được ngành y tế tích cực áp dụng. Một số loài cây dược liệu được nghiên cứu, phát triển tại tỉnh như cà gai leo, nấm dược liệu linh chi, vân chi, hoài sơn, địa hoàng…

Lĩnh khoa học xã hội và nhân văn triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề ra những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát triển văn hóa gắn với du lịch nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương; giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo cơ sở; nâng cao chất lượng công tác pháp chế trong các cơ quan, đơn vị, mở rộng sự tham gia hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh…

Lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp đăng ký mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, trọng tâm là các sản phẩm OCOP của tỉnh; theo đó, 100% cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2015 giúp cải tiến phương pháp làm việc, hạn chế tác động tiêu cực trong thực thi công vụ.

Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đến nay, tỉnh Bắc Kạn có 4 sản phẩm nông nghiệp đặc sản được bảo hộ nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý (Quýt Bắc Kạn, Hồng không hạt Bắc Kạn, Miến dong Bắc Kạn, Vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn) và sản phẩm Bí xanh thơm Ba Bể đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ cấp chỉ dẫn địa lý; 5 sản phẩm được bảo hộ về nhãn hiệu tập thể (Gạo Bao thai Chợ Đồn, Gạo Nếp Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, Chè Shan tuyết Bằng Phúc huyện Chợ Đồn, Gạo Nếp Tài Ba Bể, Gạo Khẩu nua Pái Chợ Đồn). Nhờ đó, các sản phẩm đặc sản của địa phương được bảo hộ, quảng bá rộng rãi, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh bước đầu được hình thành. Từ năm 2018, tỉnh tổ chức Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Kạn, Hội thi sáng tạo kỹ thuật 2 năm/lần dần thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia, một số giải pháp được ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn; có 2 giải pháp đạt giải thưởng cấp trung ương. Năm 2023, tỉnh Bắc Kạn xếp vị trí thứ 56/63 tỉnh trên toàn quốc và xếp thứ 8/14 các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). 

Công tác an toàn bức xạ và hạt nhân được đảm bảo, không xảy ra sự cố bức xạ trên địa bàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 18 cơ sở sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế với 29 thiết bị X-quang chẩn đoán y tế; 2 cơ sở sử dụng, lưu giữ nguồn phóng xạ đo độ ẩm/độ chặt của đất, 6 cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ kèm theo thiết bị phân tích huỳnh quang tia X để xác định tuổi vàng.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, mặc dù đạt được một số kết quả quan trọng nhưng phát triển khoa học và công nghệ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tiềm lực, trình độ công nghệ còn hạn chế, tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn ít, đầu tư ngân sách nhà nước tỷ lệ còn thấp, hiệu quả chưa cao, thủ tục tài chính còn nhiều bất cập. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ để phát triển những lĩnh vực tỉnh có tiềm năng và lợi thế chưa nhiều, chưa tạo được động lực thúc đẩy hình thành những vùng sản xuất hàng hoá có quy mô phù hợp, mang lại hiệu quả cao. Việc đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa đồng đều ở các lĩnh vực dẫn đến một số nhiệm vụ chưa sát với thực tiễn. Một số nhiệm vụ cấp tỉnh, cấp quốc gia triển khai chưa đạt chất lượng tốt nhất, còn nhiệm vụ phải dừng thực hiện, khó giải quyết, không được ứng dụng, nhân rộng sau khi kết thúc. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý khoa học, cán bộ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao của tỉnh còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Nhiều nhiệm vụ có hiệu quả chưa được quan tâm các ngành, địa phương của tỉnh chỉ đạo, đầu tư nguồn lực để nhân rộng vào thực tiễn sản xuất. Người dân tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ chưa mạnh dạn áp dụng, ứng dụng các quy trình kỹ thuật công nghệ đã được nghiên cứu thành công trong sản xuất và đời sống. Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chưa phát triển, chưa có giải pháp kỹ thuật, công nghệ và quản lý đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa. Hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ chưa mở rộng được trên nhiều lĩnh vực, thu ngân sách thấp. Hoạt động khoa học và công nghệ cơ sở còn mờ nhạt. Tỉnh chưa ban hành được các chính sách đủ mạnh để thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, nguyên nhân chủ yếu là do vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền ở các ngành, địa phương về các hoạt động khoa học và công nghệ, nhất là người đứng đầu chưa quyết liệt. Một số ngành, địa phương hiểu chưa đầy đủ về khoa học và công nghệ, hầu hết mới quan tâm nhiều đến các đề tài, dự án khoa học và công nghệ, các lĩnh vực khác còn mờ nhạt...

Tỉnh Bắc Kạn đặt ra mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển trung bình khá, bền vững, đến năm 2050 có nền kinh tế năng động, phát triển khá so với các địa phương trong cả nước. Vì vậy, để nhận diện rõ tiềm năng, cơ hội, lợi thế và những tồn tại, hạn chế, đề xuất được mục tiêu, giải pháp, lộ trình thực hiện về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với xu hướng, Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu Nghị quyết nhằm đánh giá được tình hình phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 - 2024, trong đó khái quát rõ những ưu điểm, khuyết điểm chủ yếu, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đề ra quan điểm, mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp, khả thi; xác định được các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, tổ chức, địa phương trong tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết sẽ do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì tham mưu soạn thảo, báo cáo xin ý kiến Ban cán sự đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong năm 2025./.

BH