Độ tương phản
Tết thanh minh năm nay, gia đình bà Triệu Thị Dất ở thôn Nà Lịn, xã Tân Lập lại quân quần bên nhau chuẩn bị các nguyên liệu như lá, thịt lợn ta, gạo nếp nương, đỗ... để cùng nhau gói những chiếc bánh chưng đen thắp hương cho tổ tiên. Với người Dao Quế Lâm ở đây, không biết từ bao giờ, bánh chưng đen đã trở thành thứ không thể thiếu để dâng lên tổ tiên, những người đã khuất trong ngày thanh minh. Điều đặc biệt là bánh chưng không gói bằng lá dong như nơi khác mà được gói cẩn thận, tỷ mỉ bằng lá cây chít mọc trong rừng.
“Để có được nguyên liệu làm bánh chưng đen, người Dao Quế Lâm phải trù liệu từ tháng 4, bắt đầu đi chọc lỗ, tra hạt trên nương rẫy. Tuy diện tích nương rẫy khan hiếm nhưng người Dao luôn dành ra một diện tích vừa đủ để trồng loại lúa nếp rất ngon, được chọn lọc kỹ càng từ mùa vụ trước, chuyên dùng để làm bánh chưng đen. Cái độc đáo ở bánh chưng đen của người Dao Quế Lâm là ở chất liệu tạo màu đen của bánh. Khác với một số loại bánh chưng đen của các dân tộc ít người khác, lấy màu đen cho bánh từ gạo nếp cẩm, người Dao Quế Lâm nhuộm nếp làm bánh từ cây lấy trong rừng người Dao gọi đó là Ìn Pâu Điắng, người Tày gọi cây mạy Piạt đem về đốt thành than, sau đó dã nhuyễn, say, sàng sẩy lọc lấy phần mịn nhất để trộn với gạo. Với cách làm này, bánh có thể để lâu mà không bị hỏng, ăn lại rất mát, tốt cho đường tiêu hóa” - bà Triệu Thị Dất cho biết.
Tuy nguyên liệu chế biến khá đơn giản, song để đảm bảo cho bánh có hương vị, đều màu sắc thì công đoạn chuẩn bị nguyên liệu lại tốn khá nhiều thời gian, nhất là khâu chuẩn bị bột than, người làm phải tạo được bột than màu đen bóng, mịn, vừa phải giữ được hương thơm của loại cây này. Bên cạnh đó, những bông lúa nếp chắc hạt sau khi thu hoạch từ nương sẽ được chọn lựa kỹ càng để đem sát chọn ra những hạt gạo đều và đẹp nhất để gói bánh.
Chị Triệu Thị Hạnh, xã Tân Lập, huyện Chợ Đồn chia sẻ, chị rất muốn học cách làm bánh để sau này còn dạy lại cho con cháu, theo chị, khó nhất là công đoạn làm than để trộn gạo, khi trộn gạo nếp phải thật đều tay sao cho màu đen của nước tro ngấm đều vào từng hạt gạo nếp. Số lượng tro dùng hòa với nước để trộn với số lượng gạo làm bánh phải có tỷ lệ tương xứng, hài hòa. Công đoạn gói bánh được xếp vào công đoạn quan trọng nhất vì nếu gói không khéo sẽ làm bánh không chặt, rơi gạo ra ngoài và không có hình dạng đẹp; thịt lợn làm nhân bánh cũng phải được dàn đều sao cho khi ăn, bánh cắt đến đâu cũng phải có thịt trong từng miếng đến đấy. Bánh chưng khi gói xong sẽ được xếp vào nồi đun trong 1 ngày để bánh nhừ, sau đó treo lên gác bếp chờ ráo nước.
Bánh chưng đen của người Dao Quế Lâm do ông cha truyền lại và đã có từ rất lâu đời, ngày nay, tuy cách làm bánh cổ truyền đã có chút ít thay đổi, song ý nghĩa thì vẫn vẹn nguyên ở màu đen của bánh. Màu đen là biểu hiện mùa màng bội thu, đời sống của con người ngày càng no ấm; màu đen của bánh còn thể hiện sự hòa hợp của đất, trời và lòng người. Với những ý nghĩa đó nên trong lễ, tết và đặc biệt ngày Tết thanh minh của người Dao ở Nà Lịn không thể thiếu vắng chiếc bánh chưng đen.
Hiện nay, bánh chưng đen của người Dao Quế Lâm được làm bán ra thị trường khá nhiều, tuy nhiên, trong ngày Tết thanh minh thì các con cháu từ xa về tụ họp, các gia đình lại có dịp quây quần, các bà, các mẹ lại có dịp dạy cho con cháu làm món bánh của dân tộc, nhờ đó mà các lớp trẻ ở bản này vẫn đang tiếp nối món bánh truyền thống của dân tộc mình. Trong ngày Tết thanh minh, những người đi xa quê được đoàn tụ cùng gia đình, cùng đi tảo mộ người đã khuất và sum họp bên bữa cơm gia đình đầm ấm, vui vẻ./.
Top 7 đặc sản ngon của Bắc Kạn (23/11/2022)
Bắc Kạn có 4 sản phẩm trong Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (31/08/2022)
70 sản phẩm OCOP được xếp hạng năm 2019 (16/01/2020)
Năm 2019, tỉnh Bắc Kạn có 70 sản phẩm OCOP được xếp hạng (16/01/2020)
Xây dựng thương hiệu gạo Nếp Tài ở Yến Dương (05/12/2019)