PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

05/11/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Nhờ vậy, nhiều nông dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Đoàn công tác của tỉnh thăm mô hình trồng hồi tại xã Bình Văn, huyện Chợ Mới

Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhiều dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được triển khai, đến hết năm 2023, toàn tỉnh triển khai được 34 dự án, trong đó có 4 dự án cấp tỉnh và 30 dự án cấp huyện. Tổng kinh phí được phân bổ để tổ chức thực hiện các dự án là hơn 33.000 tỷ đồng, kinh phí đã nghiệm thu hỗ trợ các dự án hơn 25.000 tỷ đồng.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được các cấp Hội đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến trong nhận thức về phát triển kinh tế nông nghiệp. Công tác khuyến nông được tăng cường góp phần làm thay đổi nhận thức của nông dân, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Từ nguồn ngân sách địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện được 34 mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật với 1.157 hộ tham gia, triển khai thực hiện 10 mô hình trồng trọt, 7 mô hình chăn nuôi, 8 mô hình thủy sản, 9 mô hình lâm nghiệp, qua đó giúp tìm ra những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của địa phương, góp phần nâng cao đời sống và giải quyết việc làm cho người nông dân. 

Lễ phát động chiến dịch truyền thông về trồng rừng và phục hồi rừng, giảm phát thải nhà kính

Nhằm củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tỉnh đã triển khai các chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cho các hợp tác xã, đến nay đã bàn giao đưa vào sử dụng công trình nhà kho, nhà xưởng cho 3 hợp tác xã; đối với nhà kho, nhà xưởng của 8 hợp tác xã còn lại sẽ bàn giao trong năm 2024.

Hoạt động sản xuất, chế biến nông lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch ngày càng được đẩy mạnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành những vùng sản xuất nông, lâm nghiệp chất lượng cao, ổn định gắn với phát triển du lịch như: Vùng trồng bí xanh thơm, lúa nếp tài, rừng trúc gắn với hoạt động trải nghiệm tại xã Địa Linh, Yến Dương (huyện Ba Bể); mô hình du lịch cộng đồng tham quan hồ Ba Bể tại xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể); mô hình trồng cây ăn quả gắn với du lịch trải nghiệm tại xã Quang Thuận (huyện Bạch Thông); mô hình trồng cây dẻ, đào, lê gắn với du lịch tại huyện Ngân Sơn… Công tác phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm thực hiện; đến nay đã có làng nghề Miến dong Côn Minh, huyện Na Rì được công nhận.

Nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tỉnh đã đẩy mạnh triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP ngày càng tăng, đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 218 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 18 sản phẩm 4 sao, 199 sản phẩm 3 sao.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được thực hiện thực chất và đi vào chiều sâu. Đến nay, cả tỉnh đã có 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 70 thôn được công nhận thôn đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 22 thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn.

Nhờ triển khai hiệu quả nhiều giải pháp, kinh tế nông nghiệp của tỉnh đã có bước chuyển mình khá toàn diện. Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả khá, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,66%, vượt kế hoạch đề ra. An ninh lương thực được đảm bảo, sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt 551kg/người/năm, đạt 110,2% so với kế hoạch. Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang cây trồng có giá trị cao đạt 423 ha, diện tích chuyển đổi bình quân/năm được 1.737/1.600 ha, đạt 109%. Việc chuyển đổi diện tích đất lúa, ngô kém hiệu quả sang cây trồng khác hoặc kết hợp với nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên cùng đơn vị diện tích. Đến năm 2023, toàn tỉnh đã có 3.293 ha lúa chất lượng cao như Japonica, lúa nếp Khẩu Nua Lếch, trong đó có 210 ha lúa sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Lĩnh vực chăn nuôi có bước chuyển biến rõ rệt, chuyển dịch từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô tập trung, sản xuất hàng hóa và liên kết. Nhiều trang trại đầu tư trang thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật, đạt hiệu quả cao. Vùng nguyên liệu gỗ tập trung phục vụ chế biến phát triển, diện tích trồng cây gỗ lớn, cây đa mục đích ngày càng tăng; tỷ lệ che phủ rừng hết năm 2023 đạt 73,38%.

Cùng với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, mỗi người nông dân cũng cần chủ động tìm tòi, học hỏi, đổi mới tư duy và phương thức sản xuất để hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững./.

Ngọc Tú