PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

28/09/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3
Sáng 28/9, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan; lãnh đạo 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phương Thị Thanh; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Quang Nhất; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn

Bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào nước ta, gây thiệt hại rất lớn đối với các địa phương ven biển, nhất là tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng; sau bão, mưa lớn kéo dài trên diện rộng tại hầu hết khu vực Bắc Bộ tiếp tục gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước. 

Thiên tai đã làm 344 người chết, mất tích; gần 282.000 nhà bị hư hỏng, tốc mái và trên 112.000 nhà bị ngập; trên 284.000 ha lúa bị ngập úng thiệt hại; trên 600.000 ha sản xuất nông nghiệp và gần 12.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; trên 44.000 con gia súc, trên 5,6 triệu con gia cầm bị chết; gần 2.000 sự cố đường dây điện khiến trên 6 triệu khách hàng bị mất điện; gần 8.300 sự tuyến cáp quang bị hư hại, 210 cột ăng ten viễn thông bị gẫy đổ, trên 9.200 trạm BTS bị mất liên lạc; 3.755 điểm trường và 852 cơ sở y tế bị ảnh hưởng, thiệt hại; xảy ra 796 sự cố đê điều trên địa bàn 15 tỉnh/thành phố; 820 vị trí trên các tuyến đường quốc lộ bị ách tắc… Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 81.503 tỷ đồng; hiện nay, các địa phương đang tiếp tục rà soát, đánh giá và cập nhật thống kê thiệt hại.  

Tại tỉnh Bắc Kạn, thiên tai đã làm 4 người bị thương; trên 2.000 nhà ở bị thiệt hại, trong đó có 541 nhà phải di dời khẩn cấp do sạt trượt, 297 nhà di dời khẩn cấp do nước ngập cao, 20 nhà bị sập đổ, hư hỏng hoàn toàn; trên 2.000 ha sản xuất nông nghiệp, gần 10.000 con vật nuôi bị thiệt hại; nhiều tuyến đường, công trình xây dựng bị hư hỏng… Thiệt hại sơ bộ trên 900 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy, đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt chưa từng có trong rất nhiều năm qua ở khu vực Bắc Bộ; xảy ra gần như đồng thời các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm như bão rất mạnh, lũ lớn, đặc biệt lớn; ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên diện rộng. Thiên tai đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi.

Xác định đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, sức tàn phá rất lớn, cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở đã tích cực, chủ động vào cuộc chỉ đạo, quyết liệt triển khai công tác ứng phó với bão, lũ theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được phân công; người dân cũng đã chủ động, tự giác phòng, chống, ứng phó nên đã góp phần giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ.

Theo báo cáo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sự lãnh đạo sát sao, kịp thời, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phản ứng kịp thời, hiệu quả, từ sớm, từ xa, trực tiếp tại hiện trường của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ, đồng hành của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, đồng bào trong nước và cả đồng bào ta ở nước ngoài… đã hạn chế tối đa thiệt hại và khẩn trương khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ. Nếu không có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, thiệt hại về người, tài sản do bão số 3 và mưa lũ sẽ còn lớn hơn nữa.

Sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã đóng góp nguồn lực hỗ trợ người dân từng bước ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất sau thiên tai.

Tại Hội nghị, các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện trong thời gian tới nhằm đạt được mục tiêu đề ra là nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra.

Thủ tướng chỉ rõ 5 bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất là, công tác dự báo, cảnh báo phải kịp thời, chính xác từ sớm, từ xa.

Thứ hai là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát thực tiễn, quyết liệt, quyết đoán, có trọng tâm trọng điểm, tất cả vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước.

Thứ ba là, đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước, Nhân dân lên trên hết, trước hết để huy động mọi nguồn lực trong phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lũ.

Thứ tư là, các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và căn cứ sự chỉ đạo của các cấp để chủ động, tích cực phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lũ.

Thứ năm là, đặc biệt coi trọng công tác truyền thông để thông tin kịp thời, chính xác, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống và khắc phục hậu quả  bão lũ.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thời gian tới vẫn là mục tiêu không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, đói rét, thiếu chỗ ở, các cháu học sinh phải được đến trường, bệnh nhân phải được đi khám chữa bệnh, phải khôi phục lại sản xuất kinh doanh, ổn định tình hình Nhân dân, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, thúc đẩy tăng trường và kiểm soát tốt lạm phát.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Thủ tướng lưu ý Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài chính đề xuất kinh phí hỗ trợ các địa phương phù hợp, công bằng; rà soát khắc phục các hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông… bị hư hỏng; hoàn thiện thể chế, cụ thể là các nghị định, thông tư hỗ trợ, khắc phục bão lũ đã quá lạc hậu cần sửa đổi ngay…/.

Hương Dịu