PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

17/07/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hợp tác xã Rượu men lá Thanh Tâm phát triển mô hình kinh tế tập thể
Sau khi thành lập vào năm 2017, Hợp tác xã (HTX) rượu men lá Thanh Tâm ở thôn Nà Pài, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn ngày càng mở rộng quy mô sản xuất, vừa nấu rượu men lá theo phương pháp truyền thống vừa chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung. Qua đó đã tạo công ăn việc làm và thu nhập tương đối ổn định cho các thành viên trong HTX.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Để làm được những quả men lá, HTX cần chuẩn bị từ 19 đến 32 loại cây thuốc

Chị Nông Thị Tâm - Giám đốc HTX, quê ở thôn Nà Pài, xã Bằng Phúc cho biết, năm 1988, chị về làm dâu trong một gia đình ở cùng thôn có truyền thống nấu rượu men lá lâu năm. Từ đó, chị đã “bén duyên” với nghề nấu rượu. Lúc đầu chưa quen nên nấu được ít, có khi 2 - 3 ngày mới được 1 mẻ rượu. Sau khi đã tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm, chị nấu được nhiều hơn và xuất bán ra thị trường.

Với suy nghĩ mở rộng quy mô sản xuất, vào tháng 11/2016, chị Tâm đã bàn bạc, kêu gọi các chị em phụ nữ tại xã Bằng Phúc góp vốn thành lập HTX. Ngày 13/6/2017, HTX Rượu men lá Thanh Tâm được thành lập với 7 thành viên. Chị Tâm cho biết, thời gian đầu thành lập, HTX gặp rất nhiều khó khăn vì phải cạnh tranh với rượu trôi nổi trên thị trường nên một số chị em không còn mặn mà đã xin ra khỏi HTX. Trước tình hình đó, chị đã kiên trì vận động, thuyết phục các chị em trở lại góp vốn để cùng phát triển kinh tế.

HTX trang bị cơ sở vật chất, hệ thống nhà xưởng cho việc sản xuất rượu

Chị Tâm nhớ lại những khó khăn ngày tháng đầu khi mới khởi nghiệp: “Là một người làm nông nghiệp thuần túy nên việc hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ có liên quan để thành lập HTX gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các ngành chức năng nên cuối cùng các thủ tục hồ sơ cũng hoàn thành. Nhưng việc kêu gọi góp vốn ban đầu 15 triệu đồng để đầu tư cho HTX lại gặp trở ngại do kinh tế gia đình các thành viên HTX còn gặp nhiều khó khăn, cuối cùng mỗi thành viên chỉ góp được 3 - 4 triệu, người nhiều nhất được 10 triệu, tổng số kêu gọi được khoảng 100 triệu đồng. Từ số vốn đó, các thành viên đã đồng lòng, quyết tâm cao, cùng nhau phát triển HTX, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm…”.

Rượu do HTX sản xuất được nấu hoàn toàn bằng phương pháp truyền thống. Để tạo ra được những giọt rượu ngon thì từng công đoạn trong quy trình nấu rượu cũng rất tỉ mỉ và cầu kỳ. Đối với công đoạn làm men lá, HTX chuẩn bị từ 19 đến 32 loại cây thuốc Bắc được lấy từ các khu rừng tại địa phương. Ngoài ra, HTX cũng mua sắm thêm cơ sở vật chất, đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng và hệ thống lọc khử các chất độc tố. Nhờ đó, việc sản xuất cơ bản được thuận lợi.

Về chất lượng, rượu của HTX đến nay đã được các ngành chức năng kiểm chứng, đảm bảo an toàn thực phẩm; được dán tem, nhãn mác đầy đủ; ngoài ra được tham gia vào các hội chợ và các chương trình quảng bá sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Năm 2018, sản phẩm rượu của HTX được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP và xếp hạng sản phẩm 3 sao. Theo đánh giá của nhiều thực khách thì rượu của HTX thơm ngon, êm dịu và có hương vị đặc trưng. Hiện trung bình mỗi ngày, HTX nấu khoảng 300 lít rượu, xuất bán đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước nhưng vẫn chưa đủ cung cấp cho nhu cầu thị trường.

Bên cạnh phát triển sản phẩm truyền thống, HTX rượu men lá Thanh Tâm còn mạnh dạn đầu tư phát triển thêm chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung, vừa để tận dụng nguồn thức ăn từ nấu rượu vừa tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho các thành viên HTX. Từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm, HTX nuôi khoảng 400 - 500 con lợn cũng mang về cho nguồn thu nhập đáng kể. Ngoài ra, HTX còn đầu tư 60 con bò, 8 con trâu theo mô hình nuôi nhốt vỗ béo. Hiện tại, số bò nuôi lâu nhất đã được hơn 1 tuổi và chuẩn bị được xuất bán. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi, ngoài thức ăn được chế biến từ phụ phẩm sản xuất rượu, HTX đã thuê thêm đất để trồng cỏ và ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi.

Những con bò được chăm sóc tốt nên lớn rất nhanh và chuẩn bị xuất bán

Hiện tại, HTX có 8 thành viên cùng đóng góp cổ phần, sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm thu về khoảng hơn 1 tỷ đồng từ nấu rượu và chăn nuôi trâu, bò, lợn. Nhờ đó, các chị em có thêm thu nhập để trang trải cho gia đình. Ngoài ra, chị em nào trực tiếp lao động sản xuất như nấu rượu, chăn bò, cắt cỏ, trồng ngô, HTX sẽ trả thêm 200 nghìn đồng tiền công mỗi ngày.

Với phương châm "hợp tác để đi xa hơn và vững vàng hơn", HTX rượu men lá Thanh Tâm đã tìm ra cho mình một hướng đi đúng. Theo chị Nông Thị Tâm - Giám đốc HTX, là mô hình kinh tế tập thể nên rất cần sự quyết tâm, tinh thần đoàn kết của các thành viên trong HTX, có khổ cùng chia có vui cùng hưởng.

Theo chị Hà Thị Khánh - Chủ tịch Hội Liên Hiệp phụ nữ huyện Chợ Đồn nhận xét, hiện nay, mô hình của HTX rượu men lá Thanh Tâm mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm, thu nhập nên đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các chị em phụ nữ trong HTX, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những thành công bước đầu của HTX rượu men lá Thanh Tâm đang dần khẳng định đây là hướng đi hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, phát huy được sức mạnh tập thể và truyền thống, thế mạnh tại địa phương vào phát triển sản xuất nông nghiệp./.

Ngọc Tú