Độ tương phản
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Quang Nhất trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho tác giả, nhóm tác giả có đề tài đoạt giải Đặc biệt và giải Nhất
Tạo sân chơi bổ ích
Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bắc Kạn lần thứ 7, năm 2024 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện. Cuộc thi nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh, đồng thời giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai.
Cuộc thi đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian diễn ra Cuộc thi, đã có 105 đề tài gửi về tham dự Cuộc thi cấp tỉnh. Tất cả các huyện, thành phố đều có đề tài gửi tham gia. Theo đánh giá của Ban Tổ chức, đề tài dự thi của các em thanh thiếu nhi bám theo từng lĩnh vực quy định trong Thể lệ Cuộc thi, nhiều đề tài có ý tưởng gắn với đời sống thực tiễn, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Các em đã chủ động tìm kiếm ý tưởng, tài liệu và tận dụng các nguyên liệu là sản phẩm tự nhiên sẵn có tại địa phương hoặc vật liệu tái chế để tạo ra những mô hình, sản phẩm giàu tính sáng tạo.
Các đơn vị, địa phương đã làm tốt công tác phát động, tuyên truyền nên đã thu hút được đông đảo các em học sinh tham gia và có nhiều đề tài gửi về tham dự Cuộc thi (thành phố Bắc Kạn có 34 đề tài; huyện Chợ Mới 20 đề tài; huyện Ngân Sơn 16 đề tài; huyện Chợ Đồn 15 đề tài; huyện Bạch Thông 7 đề tài; huyện Pác Nặm 5 đề tài; hai huyện Na Rì và Ba Bể mỗi huyện 4 đề tài).
Phân theo lĩnh vực Cuộc thi, lĩnh vực đồ dùng dành cho học tập có 31 đề tài; phần mềm tin học có 8 đề tài; sản phẩm thân thiện với môi trường 26 đề tài; các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em 27 đề tài; các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế có 13 đề tài.
Những ý tưởng sáng tạo mới
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Cuộc thi, nhiều mô hình có khả năng ứng dụng rộng rãi trong giảng dạy, học tập, sản xuất và đời sống. Các sản phẩm dự thi là những ý tưởng, sáng tạo mới đa dạng. Cuộc thi đã ghi nhận nhiều sản phẩm xuất phát từ thực tiễn lao động, học tập, vui chơi. Các tác giả đã đưa ra những giải pháp tương đối khoa học, hợp lý và khá phù hợp với thực tiễn, giải quyết được những vấn đề đặt ra với phương châm tiết kiệm, hiệu quả, giảm tác hại đến môi trường, đời sống con người và nhiều ý nghĩa thực tiễn khác.
Trong số đó, ý tưởng chế tạo máy cắt nhôm đa năng của em Nông Đức Khánh và Nguyễn Văn Tuấn, Khoa Cơ điện, Trường Cao đẳng Bắc Kạn được đánh giá cao. Trong những năm gần đây, ngành cơ khí dân dụng đang dần khẳng định được vị thế trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn do nguồn tài nguyên gỗ để xây dựng các công trình dân dụng không còn nhiều, thay vào đó là vật liệu kim loại, kim loại mầu …, những thay đổi đó cần phải có các thiết bị gia công phù hợp nhằm giảm sức lao động của người thợ trong quá trình sản xuất ra các vật dụng từ vật liệu mới và tăng năng suất lao động. Em Nông Đức Khánh chia sẻ, qua khảo sát trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, em nhận thấy có rất nhiều các xưởng gia công lắp đặt nhôm kính hoạt động, tuy nhiên phần lớn vẫn làm thủ công, máy móc thô sơ nên độ chính xác không cao. Hiện nay, các dòng máy để gia công nhôm trên thị trường chỉ có một chức năng chức năng là cắt nhôm, không có chế độ phay nên cần phải sử dụng máy cắt riêng và máy phay riêng. Với mong muốn chế tạo ra sản phẩm giúp giảm sức lao động của người thợ, tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất, vận dụng các kiến thức đã được học cùng sự hướng dẫn của thầy giáo, chúng em đã có ý tưởng và chế tạo máy cắt nhôm đa năng. Ưu điểm của máy đó là tích hợp cả hệ thống của máy phay đầu đố vào máy cắt nhôm. Máy có tính ứng dụng cao trong thực tế và độ chính xác gia công cao, có thể gia công hàng loạt sản phẩm mà không phải kiểm tra kích thước như khi sử dụng máy thủ công. Máy cũng thuận tiện trong sử dụng, dễ dàng sửa chữa và thay thế các chi tiết bị hỏng, giúp tăng năng suất lao động, giảm thời gian gia công và đảm bảo được tính cạnh tranh.
Mô hình máy cắt nhôm đa năng của tác giả Nông Đức Khánh và Nguyễn Văn Tuấn đã được ứng dụng vào giảng dạy tại Trường Cao đẳng Bắc Kạn
Về hiệu quả kinh tế mang lại cũng rất thiết thực, nếu mua một máy cắt có một chức năng giá thành hiện nay khoảng 70 triệu đồng. Sau khi được cải tiến, tích hợp máy đa năng đã giảm giá thành chỉ còn 1/3, bên cạnh đó, máy dùng điện một pha rất thuận tiện cho việc lắp đặt, vận hành. Mô hình này đã được ứng dụng vào giảng dạy tại Trường Cao đẳng Bắc Kạn giúp cho học viên phát triển tư duy, vận dụng kiến thức vào thực tế, từng bước hình thành thói quen ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và thực tiễn cuộc sống. Đề tài máy cắt nhôm đa năng của Nông Đức Khánh và Nguyễn Văn Tuấn xuất sắc đoạt giải Đặc biệt tại Cuộc thi.
Ở lĩnh vực sáng tạo sản phẩm đồ dùng gia đình, đề tài chế tạo Quạt thông minh của tác giả Ma Tuấn Anh, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Bình Trung, huyện Chợ Đồn giành giải Nhất tại Cuộc thi. Nhận thấy hiện nay, trên thị trường có nhiều loại quạt với nhiều công dụng khác nhau và chỉ sử dụng nguồn điện lưới quốc gia để vận hành, tác giả đã có ý tưởng chế tạo ra sản phẩm với nhiều chức năng, thân thiện với môi trường, chi phí thấp, tiết kiệm năng lượng, dễ làm, dễ sử dụng. Tác giả Ma Tuấn Anh cho biết, Quạt có thể dùng được 3 nguồn điện là điện lưới quốc gia, nguồn năng lượng sạch, pin tích điện. Quạt thông minh dùng được nhiều chức năng làm mát diện rộng, điều chỉnh hướng gió, hệ thống phun sương làm mát tối đa diện rộng, đèn ngủ… Mô hình góp phần tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí, tăng tuổi thọ thiết bị. Về hiệu quả xã hội, Quạt thông minh sử dụng nguồn năng lượng sạch góp phần bảo vệ sức khỏe con người, cải thiện đời sống, điều kiện làm việc của mọi người, đặc biệt ở những nơi chưa có điện. Khi được áp dụng vào thực tiễn sẽ giúp bảo vệ môi trường, giảm thiểu nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, mang lại sự phát triển bền vững.
Là địa phương miền múi, vào mùa mưa hay xảy ra lũ quét và sạt lở đất, nếu được phát hiện sớm nguy cơ thiên tai thì sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại. Với mục đích khuyến khích sáng tạo và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn trong việc quan trắc môi trường phòng chống thiên tai, nhất là vào mùa mưa bão và ở những nơi có địa hình hiểm trở, nhiều sông suối mà con người khó khăn trong việc phát hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan, tác giả Đào Đức Anh Minh - Trường Trung học phổ thông Bộc Bố, huyện Pác Nặm đã sử dụng vật liệu tái chế, năng lượng tái tạo, nghiên cứu và tự chế tạo thành công mô hình Flycam. Tính mới, tính sáng tạo của giải pháp đó là thiết bị nhỏ gọn, thiết kế đơn giản, làm từ các vật liệu có sẵn. Hoạt động linh hoạt trên mọi địa hình khó khăn cả ở những nơi ngóc ngách mà con người không thể trực tiếp đi tới. So với những thiết bị hiện có trên thị trường thì thiết bị do tác giả nghiên cứu chế tạo đó là thân thiện với môi trường, tận dụng được các vật liệu tái chế như nhựa, gỗ, nhôm… giá thành hợp lý, phù hợp với vùng có điều kiện kinh tế khó khăn tại các địa phương vùng cao Bắc Kạn. Đề tài Flycam tự chế của Đào Đức Anh Minh đoạt giải Nhì tại Cuộc thi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Quang Nhất ghi nhận, Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng đã trở thành phong trào thi đua sáng tạo của nhiều thế hệ học sinh Bắc Kạn, những năm qua, nhiều em học sinh đã đạt giải cấp tỉnh và toàn quốc. Kết quả Cuộc thi lần thứ 7 này đã phản ánh tiềm năng, chất lượng và phong trào sáng tạo của học sinh tỉnh nhà. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự tìm tòi, sáng tạo của học sinh đã dành rất nhiều thời gian, công sức và sự say mê cho nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, đem lại những ý tưởng, mô hình, sản phẩm và giải pháp thiết thực trong học tập, sản xuất và đời sống./.
Hiệu quả áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO trong cơ quan hành chính nhà nước (03/01/2025)
Tổng kết công tác Hội và phong trào thanh niên năm 2024 (30/12/2024)
Triển khai nhiệm vụ công tác Đoàn năm 2025 (30/12/2024)
Chương trình nghệ thuật chào Xuân 2025 với chủ đề “Thanh âm mùa xuân” (29/12/2024)
Chợ Tết Công đoàn năm 2025 - Điểm đến mong đợi của người lao động (28/12/2024)