Độ tương phản
Theo đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III/2024 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đã điều chỉnh các yếu tố lạm phát và mùa vụ. So với quý II/2024, mức tăng trưởng giảm nhẹ 0,2%.
Trước đó, các nhà kinh tế học dự báo, mức tăng trưởng của Mỹ trong quý III/2024 sẽ là 3,1%.Tuy nhiên, báo cáo vừa được công bố chỉ là dữ liệu sơ bộ và sẽ có 2 lần điều chỉnh nữa theo thông lệ.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, mức tăng GDP này phản ánh sự gia tăng trong chi tiêu của người tiêu dùng, xuất khẩu và chi tiêu của chính phủ liên bang. Tuy nhiên, sự suy giảm trong đầu tư hàng tồn kho tư nhân, cùng sự sụt giảm lớn hơn trong đầu tư cho nhà ở khiến mức tăng thấp hơn so với quý trước.
Theo báo cáo, đà tăng trưởng trong quý III/2024 của Mỹ có sự đóng góp lớn từ chi tiêu tiêu dùng, với tốc độ tăng trưởng đạt 3,7% sau khi đã điều chỉnh yếu tố lạm phát. Đây là kết quả tốt nhất kể từ quý I/2023.
Một yếu tố chính khác mà Bộ Thương mại Mỹ cho rằng góp phần vào tăng trưởng là chi tiêu của chính phủ liên bang, tăng vọt 9,7%, do chi tiêu quốc phòng tăng 14,9%. Chi tiêu tài chính ở cấp liên bang đóng góp 0,6% vào tốc độ tăng trưởng GDP. Xuất khẩu tăng khoảng 8,9%. Tuy nhiên, nhập khẩu lại tăng 11,2% đã kìm hãm mức tăng trưởng chung.
Tiền công lao động tăng, cùng với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp cho phép người tiêu dùng Mỹ tiếp tục có được nguồn thu nhập tốt hơn trong khi lạm phát tiếp tục giảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong quý III/2024 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng trưởng GDP trong quý III/2024 được hưởng lợi một phần từ việc các công ty tăng cường đầu tư ngay trước thời điểm nổ ra một cuộc đình công ở các cảng bờ Đông và Vịnh Mexico. Cuộc đình công kéo dài chỉ trong 3 ngày nhưng nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị cho một đợt đóng cửa kéo dài hơn, mà trên thực tế có thể đã đẩy một số hoạt động kinh tế từ quý IV/2024 sang quý III/2024.
Báo cáo trên là sự xác nhận rằng nền kinh tế Mỹ vẫn duy trì được nhịp tăng trưởng vững vàng trong môi trường lãi suất tăng cao. Điều này cũng bác bỏ những lo ngại từ lâu rằng các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ - động lực giúp nền kinh tế vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra sẽ không đủ để duy trì tăng trưởng trong một khoảng thời gian dài.
Tuy nhiên, nhiều khả năng kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với các cơn gió ngược trong những tháng tới, sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 4/11 (giờ địa phương) tới đây kết thúc và một chính phủ mới sẽ được thành lập, với triển vọng sẽ có sự thay đổi trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.
Nhưng kinh tế Mỹ cũng hội tụ một số nhân tố quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng. Lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, mở đường để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tuc cắt giảm lãi suất trong kỳ họp tháng 11 tới đây. Kể từ khi FED bắt đầu chu kỳ nới lỏng lãi suất vào tháng trước đưa lãi suất quỹ liên bang về mức 4,75-5%, các số liệu về kinh tế bao gồm chi tiêu tiêu dùng và số liệu việc làm đều cho thấy nhiều tín hiệu khả quan./.
Thế giới năm 2024: Những điểm sáng giữa muôn vàn sóng gió (03/01/2025)
Thế giới tuần qua: Thúc đẩy hòa bình và vượt qua sự chia rẽ (01/01/2025)
Biến 2025 thành một "khởi đầu mới" cho tương lai tốt đẹp hơn (01/01/2025)
Quan hệ Mỹ - Panama căng thẳng vì tranh cãi phí qua kênh đào (23/12/2024)
Cơ chế hoạt động của vaccine ngừa ung thư Enteromix của Nga (21/12/2024)