PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

16/05/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Mặt trận Việt Minh - sứ mệnh tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân
Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) ra đời, thay cho Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương nhằm mục đích hiệu triệu Nhân dân, đánh thức tinh thần dân tộc, tập hợp và đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, các giới vào thực hiện nhiệm vụ giải phóng quốc gia, dân tộc.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Lán Khuổi Nậm ở Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng,
nơi diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Đông dương lần thứ VIII
(5/1941) quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh (Ảnh tư liệu)

Sau hơn 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc về nước. Tháng 5/1941, Người triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khóa I) của Đảng ở Khuổi Nậm, Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng - khẳng định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam.

Để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, các giới... vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng.

Mặt trận Việt Minh được tổ chức theo hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, liên hiệp các tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị, giai cấp, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập. Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một Chính phủ Nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy lá cờ đỏ ngôi sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc.


Theo lời hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh, Nhân dân ta đã nhất tề
đứng dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 (Ảnh tư liệu)

Tháng 10/1941, Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ, công khai đường lối, chính sách, phương pháp tiến hành và tổ chức lực lượng đấu tranh để thực hiện mục đích cứu nước của mình. Nhờ có chính sách đúng, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của các tầng lớp nhân dân mà tổ chức và phong trào Việt Minh phát triển nhanh chóng và lan rộng ra khắp nước. Cũng nhờ Mặt trận Việt Minh được thành lập đã tập hợp các tầng lớp nhân dân, các đảng phái yêu nước và các tổ chức cứu quốc đoàn kết, động viên toàn dân vùng lên giành chính quyền, đưa Cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, sách lược của ta lúc này là mở rộng Việt Minh. Từ ngày 11/11/1945, Đảng ta tuyên bố “giải tán”, thực chất là chuyển vào hoạt động bí mật để tránh mũi nhọn tấn công của kẻ thù, chủ động duy trì và mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, đưa đất nước vượt qua thác ghềnh nguy hiểm. Từ đó, vai trò của Việt Minh trong đời sống chính trị của đất nước ngày càng được đề cao, trở thành hình ảnh của khối đại đoàn kết các tầng lớp, các đảng phái, tôn giáo, dân tộc, ngày càng thu nhận thêm những tổ chức thành viên mới, những nhân sĩ yêu nước, trí thức cao cấp thuộc các tầng lớp trên của xã hội.

Để đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng và sự phát triển của Mặt trận Dân tộc Thống nhất, năm 1946, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt) được thành lập. Ngày 3/3/1951, Đại hội toàn quốc Mặt trận Thống nhất Việt Minh - Liên Việt lấy tên là Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt) được tiến hành. Ngày 10/9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập MTTQ Việt Nam... Như vậy, từ ngày ra đời đến nay, nội dung và hình thức tổ chức của mặt trận có sự thay đổi phù hợp với nhiệm vụ cách mạng từng lúc, từng nơi, song vẫn luôn khẳng định sứ mệnh tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các đảng phái, các dân tộc, tôn giáo, phát huy lòng yêu nước, nhiệt tình cách mạng, ý chí đấu tranh, sự hy sinh và cống hiến của mỗi người, góp phần tạo nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn trao nhà "Đại đoàn kết"
của đơn vị tài trợ cho hộ nghèo huyện Pác Nặm

Kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang của Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn đã và đang thực hiện tốt công tác tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tuyên truyền, động viên Nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo nên sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động ngày càng đi vào cuộc sống, được đông đảo Nhân dân hưởng ứng, ủng hộ, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, thiết thực, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong mọi hoạt động, MTTQ và các tổ chức thành viên luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, khu dân cư, tập hợp phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, giúp cấp ủy đảng, chính quyền xử lý kịp thời và có hiệu quả những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở, qua đó đã củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Đồng thời tiếp tục quan tâm đổi mới và đẩy mạnh hoạt động của các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, các chức sắc, chức việc tôn giáo, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc. Đây chính là những việc làm thiết thực, khẳng định ý nghĩa to lớn của việc phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, góp phần quan trọng xây dựng và củng cố chính quyền ngày càng vững mạnh./.

Thu Trang (tổng hợp)