Độ tương phản
Từ đó đến nay, Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) đã thực sự trở thành ngày hội lớn, thắp sáng ngọn lửa di sản văn hóa dân tộc trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam.
Là tỉnh miền núi vùng Đông Bắc với dân số hiện nay khoảng 320.000 người, gồm 7 dân tộc chủ yếu: Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh, Hoa và Sán Chay. Sự tập trung của nhiều dân tộc cùng sinh sống đã tạo ra cho Bắc Kạn một kho tàng văn hóa phong phú, đặc sắc. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/12/2019 về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá lịch sử trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020 - 2030. Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện kiểm kê, nhận diện di sản văn hóa phi vật thể.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 204 di sản văn hóa phi vật thể đã được nhận diện, trên cơ sở đó, hằng năm, tỉnh lựa chọn những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để có biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Từ năm 2020 đến nay, có 5 di sản được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Hát Pá Dung; lễ cấp sắc của người Dao; lễ Kỳ Yên; múa bát của người Tày; hát Sli của người Nùng và 1 di sản “Thực hành Then của người Tày - Nùng -Thái ở Việt Nam” được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự cho 1 Nghệ nhân nhân dân và 3 Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Trên cơ sở các di sản đã được ghi danh và các nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và triển khai các đề tài, dự án như: Bảo tồn và phát huy di sản thực hành Then của người Tày - Nùng - Thái; lượn Cọi của người Tày huyện Pác Nặm; nghệ thuật múa Khèn của dân tộc Mông; nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày; chữ Nôm, Lễ cấp sắc của người Dao; bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa dân tộc gắn liền với phát triển du lịch Ba Bể..., qua đó góp phần chuyển hóa về mặt nhận thức, tạo được sự trân trọng của cộng đồng đối với di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân.
Năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng được 8 mô hình Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính cấp huyện, thành phố; triển khai Dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lượn Cọi”; thực hiện việc tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể; rà soát, kiểm tra, đánh giá các lễ hội trên địa bàn tỉnh; tổ chức 2 lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác bảo tồn di sản văn hóa; phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức trình diễn trang phục dân tộc gắn với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và lễ hội của địa phương; phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số trong Ngày hội đại đoàn kết dân tộc (18/11) tại thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Việc trình diễn trang phục truyền thống lồng ghép trong chương trình văn nghệ chào mừng Ngày hội đã tạo được không khí vui tươi, phấn khởi trong đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường tinh thần đại đoàn kết dân tộc, nâng cao nhận thức về bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp tục thực hiện, nhân rộng trong các năm tiếp theo.
Đối với công tác bảo tồn, khôi phục các làng nghề truyền thống, hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với UBND huyện Chợ Đồn, Na Rì và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện hướng dẫn, hoàn thiện các thủ tục để tiến tới công nhận Làng nghề rượu xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn và Làng nghề sản xuất miến dong xã Côn Minh, huyện Na Rì; ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với làng nghề truyền thống như nghề đan lát, dệt thổ cẩm, các món ẩm thực dân tộc…
Toàn tỉnh hiện có 127 lễ hội truyền thống từ cấp huyện, xã đến cấp thôn. Vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND các huyện, thành phố quy hoạch, lựa chọn và đề xuất việc bảo tồn, phát huy các lễ hội tiêu biểu trên địa bàn tỉnh gắn với hoạt động du lịch như: Lễ hội Lồng tồng Ba Bể, Phủ Thông - Bạch Thông, Bằng Vân - Ngân Sơn, Mù Là - Pác Nặm; Chợ tình Xuân Dương - Na Rì; triển khai xây dựng mô hình lễ hội mới gắn liền với phát triển du lịch hồ Ba Bể “Tuần du lịch - Di sản văn hóa Ba Bể” tổ chức định kỳ năm một lần. Ngoài ra, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc và các trò chơi dân gian cũng được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn để giới thiệu, quảng bá tại các tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua các hoạt động sự kiện như: Hội nghị, quảng bá, xúc tiến du lịch; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, Dao; Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các tỉnh vùng Đông Bắc; Chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc...
Kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam cũng là dịp để Bắc Kạn tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, trong đó việc cần thiết là khơi dậy tình yêu, lòng tự hào đối với truyền thống văn hóa dân tộc trong mỗi người dân. Thực hiện tốt công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương một cách khoa học và có hệ thống, nhận diện và xác định mức độ tồn tại, giá trị, sức sống của từng loại di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng, trên cơ sở đó đề xuất phương án bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả./.
Khai mạc Giải vô địch Bóng chuyền tỉnh Bắc Kạn năm 2024 (12/12/2024)
Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn kết với phát triển du lịch (10/12/2024)
Thành phố Bắc Kạn giành giải Nhất Liên hoan dân vũ và nhảy Flashmob tỉnh Bắc Kạn năm 2024 (09/12/2024)
Giải chạy hồ Ba Bể - Bắc Kạn mở rộng năm 2024 thành công tốt đẹp (09/12/2024)
Xử lý vi phạm về nồng độ cồn: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ (07/12/2024)