PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

13/05/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ngày Quốc tế Gia đình 15/5: Gắn kết gia đình vượt qua đại dịch
Dịch Covid-19 đang tác động mạnh đến cuộc sống của nhiều gia đình trên thế giới, do vậy Ngày Quốc tế Gia đình một lần nữa cho thấy tầm quan trọng, ý nghĩa và sự gắn kết của mỗi thành viên trong gia đình.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Gia đình có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển xã hội của mỗi quốc gia và toàn cầu - là một trong những nhân tố chính giúp thúc đẩy sự phát triển toàn diện của mỗi đất nước, đồng thời là phương tiện hiệu quả giúp chăm sóc, bảo vệ và phát triển của các thành viên trong xã hội.

Năm 1983, Hội đồng Kinh tế và Xã hội, theo đề nghị của Ủy ban Phát triển Xã hội tại kỳ họp thứ 28, thông qua một Nghị quyết (1984/23) về vai trò của gia đình trong quá trình phát triển, trong đó nhấn mạnh mục tiêu “thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách và công chúng hiểu rõ hơn về những vấn đề và nhu cầu của gia đình cũng như các phương tiện hiệu quả để đối phó với những vấn đề đó”.

Ngày 29/5/1985, trong Nghị quyết 1985/29, Hội đồng Kinh tế và Xã hội đã trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc xem xét trong chương trình nghị sự một mục mang tên “Các gia đình trong quá trình phát triển” nhằm bắt đầu một quá trình phát triển nhận thức toàn cầu về những vấn đề liên quan tới gia đình.

Sau đó, ngày 7/12/1987, theo đề nghị của Ủy ban Phát triển Xã hội tại Kỳ họp thứ 30 và cũng của chính Ủy ban này tại phiên họp chính thức đầu tiên năm 1987 (nghị quyết 1987/42 ngày 28/5/1987), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết 42/134, trong đó kêu gọi “tất cả các quốc gia đưa ra ý kiến về việc kỷ niệm một năm quốc tế về gia đình”. Đại hội đồng cũng yêu cầu Tổng Thư ký Liên hợp quốc “công bố, tại phiên họp thứ 43, một bản báo cáo chi tiết, xây dựng dựa trên các đánh giá và đề xuất của các chính phủ thành viên, liên quan đến việc kỷ niệm một năm quốc tế gia đình và các phương tiện khác để cải thiện tình hình, vật chất của gia đình và nhấn mạnh sự hợp tác quốc tế trong khuôn khổ các nỗ lực chung của thế giới nhằm ủng hộ các tiến bộ và sự phát triển trong lĩnh vực xã hội”.

Năm 1993, Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong nghị quyết 47/237 đã quyết định lấy ngày 15/5 hằng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Gia đình với mục đích nâng cao nhận thức về các vấn đề gia đình và tăng cường khả năng của các quốc gia trong việc thực hiện các chính sách toàn diện về những vấn đề liên quan đến gia đình.

Từ bao đời nay, gia đình Việt Nam là nơi giữ gìn và lưu truyền bản sắc văn hóa dân tộc (Ảnh minh họa)

Từ đó đến nay, Ngày Quốc tế Gia đình hằng năm chính là dịp để chúng ta tôn vinh sự kết nối và mối liên hệ giữa các thành viên trong gia đình. Đây cũng là dịp để chúng ta suy nghĩ về sự tác động của các xu hướng kinh tế, xã hội lên gia đình, để từ đó nâng cao “sức đề kháng” của mỗi gia đình trước những ảnh hưởng và tác động không mong muốn. Gia đình là tế bào của xã hội. Mỗi quốc gia đều được xây dựng nên từ nền tảng mỗi gia đình. Gia đình cũng chính là “cái nôi” để mỗi cá nhân trưởng thành và phát triển. Đó là nơi chúng ta nhận được nền tảng giáo dục đầu tiên và cũng là nơi để chúng ta nhận ra giá trị của cuộc sống. Do đó, mỗi người cần có trách nhiệm, thái độ đúng đắn để vun đắp gia đình mình. Một gia đình hòa thuận sẽ là một gia đình hạnh phúc.

Tại tỉnh Bắc Kạn, để hưởng ứng Ngày này, mỗi gia đình có hành động theo những cách riêng. Do tác động của đại dịch Covid-19, các hoạt động tập trung đông người vẫn còn hạn chế, thay vào đó, các thành viên trong gia đình có thể cùng quây quần bên nhau nấu một bữa ăn ngon, chơi một trò chơi yêu thích hay ôn lại những câu chuyện mà đã từ lâu chưa nhắc tới… Hạnh phúc và niềm vui của mỗi gia đình không chỉ đến vào ngày Ngày Quốc tế Gia đình mà mỗi chúng ta đều có thể nỗ lực để gia đình của mình có được niềm vui, hạnh phúc trọn vẹn./.

Thu Trang (tổng hợp)